Bé gái 6 tuổi dậy thì
Cơ thể gầy gò, ngực chưa phát triển nhưng bé gái 6 tuổi đã xuất hiện kinh nguyệt khiến gia đình rất lo lắng.
Báo động trẻ dậy thì sớm
BS Trần Văn Lưu - Khoa Nội Tiết Sinh Sản, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé gái 6 tuổi với cơ thể gầy gò, ngực chưa phát triển song lại có kinh nguyệt.
Ảnh minh họa
Các bác sĩ cho trẻ làm xét nghiệm đánh giá hormone nội tiết, chụp X-quang, siêu âm vú, ổ bụng, tử cung vòi trứng tìm bất thường. Kết quả chẩn đoán không có khối u, bé dậy thì sớm có thể do yếu tố bên ngoài như dinh dưỡng, sữa tắm, môi trường...
Để điều trị, ê kíp chỉ định tiêm thuốc ức chế dậy thì và hướng dẫn người nhà áp dụng chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp.
“Với trường hợp này, việc có kinh nguyệt là triệu chứng báo hiệu hoàn thiện dậy thì ở bé gái. May mắn, gia đình đã đưa đi khám sớm, trẻ được can thiệp kịp thời nên không ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành”, bác sĩ Lưu cho hay.
Theo BS Trần Văn Lưu, tình trạng dậy thì sớm là sự phát triển đặc tính sinh dục trước 9 tuổi ở bé trai và trước 8 tuổi ở bé gái. Biểu hiện ở bé trai gồm phát triển chiều cao nhanh, mọc lông mu, có mùi cơ thể, thay đổi giọng nói, tăng khối lượng cơ, tinh hoàn hay dương vật phát triển nhanh và xuất tinh. Ở bé gái, dấu hiệu phổ biến nhất là tuyến vú phát triển, tăng dịch tiết âm đạo, có kinh nguyệt.
Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về tỷ lệ trẻ dậy thì sớm, song trường hợp trẻ đến khám tại các bệnh viện tăng qua các năm.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi trung ương, từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, bệnh viện này ghi nhận có 694 bệnh nhi dậy thì sớm đến khám, bao gồm 21 bé trai, còn lại là trẻ gái. Trong khi đó, giai đoạn 1991 - 1995 chỉ ghi nhận có 14 bệnh nhi dậy thì sớm.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), số trẻ dậy thì sớm đến bệnh viện khám tăng gấp đôi. Trước đây mỗi tháng chỉ khoảng 20-30 ca dậy thì sớm có chỉ định điều trị, nay khoảng 50-60 ca, mỗi năm bệnh viện có khoảng 600 - 700 trẻ dậy thì sớm đến khám.
Dậy thì sớm ảnh hưởng đến sự phát triển và tâm lý của trẻ
Theo bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ như yếu tố di truyền, nội tiết, môi trường sống, chế độ ăn uống, điều kiện sống trong gia đình và các bệnh lý khác. Tùy thuộc nguyên nhân, các bác sĩ có phương pháp điều trị khác nhau như can thiệp hormone, tiêm thuốc...
Ảnh minh họa
Dậy thì sớm mang đến nhiều nguy cơ và thiệt thòi cho trẻ. Do đó, ngoài điều trị thuốc, bác sĩ kết hợp điều trị tâm lý. Trẻ cần được trang bị các kiến thức để tránh sợ hãi, tự ti, lo âu, tò mò và nguy cơ bị lạm dụng. Khi con có biểu hiện dậy thì sớm, phụ huynh nên bình tĩnh, đưa con đến khám chuyên khoa nhi hoặc nội tiết.
Gia đình nên ưu tiên nguồn thực phẩm sạch, an toàn cho trẻ. Các loại đồ chơi, sữa tắm hay mỹ phẩm... cũng cần được chọn lựa, kiểm soát kỹ càng.
“Nhiều bố mẹ thắc mắc con em dùng sữa nhiều có gây dậy thì sớm? Đây là nỗi oan của sữa. Sữa không chứa chất gây dậy thì sớm, có chăng uống sữa tăng chất béo làm con tăng nguy cơ béo phì. Chuyện béo phì mô mỡ em bé tiết chất kích thích trên não làm trẻ dậy thì sớm. Hoặc trừ trường hợp hãng sữa rộn hoc mon ngoại lai k kiểm soát được”, BS Lưu cho biết.
Phụ huynh nên nhắc nhở con tập thể dục, tham gia các hoạt động thể thao như bơi lội, chạy... để tăng chiều cao, giảm dậy thì sớm. Trẻ cũng cần đi ngủ trước 22h bởi quãng thời gian 22h đến 3h sáng, cơ thể tiết hormone giúp trẻ phát triển chiều cao, cân bằng nội tiết.
Không cho trẻ tiếp xúc phim ảnh người lớn sớm. Nhà trường cần xen lẫn buổi học giáo dục giới tính đúng độ tuổi, tránh việc tiếp xúc những nguồn thông tin lệch lạc.