Bé gái 15 tháng tuổi tử vong vì bị rắn "hoa học trò" cắn
Bé gái 15 tháng khi chơi với chị ngoài sân thì bị rắn hoa cổ đỏ, còn gọi là "rắn học trò" cắn vào tay. Bệnh nhân bị suy hô hấp và tử vong sau 2 ngày điều trị.
Sáng nay (6/4), bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 thông tin về trường hợp một bé gái 15 tháng tuổi tử vong do bị rắn cổ đỏ (còn có tên gọi là thông dụng là "rắn học trò") cắn.
Theo bệnh sử, khoảng 4h ngày 29/3, bé gái N.T.N.T. đang chơi ở ngoài sân nhà thì bị rắn cắn và chảy máu ở bên cánh tay. Người nhà có đắp thuốc lá cho bé nhưng máu vẫn chảy liên tục, sau 2 giờ không cầm được máu nên đưa bệnh nhân đến nhập Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang.
Tại đây, các bác sĩ đã cấp cứu, dùng thuốc chống lại tình trạng rối loạn đông máu, băng ép và truyền 4 lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre. Tuy nhiên, bé T. vẫn bị chảy máu nhiều nên đã đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 30/3.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sau một ngày bệnh nhi vẫn bị chảy máu ở cẳng tay. Các bác sĩ coi lại vết cắn thì thấy vết thương không bầm, không hoại tử, không phải là vết cắn của rắn lục tre.
Rắn cổ đỏ hay còn gọi "rắn học trò" là rắn độc, do vậy trẻ không nên nuôi và chơi. (Ảnh minh hoạ)
Sau khi khai thác bệnh sử và người nhà, các bác sĩ đã cho người nhà bệnh nhi xem và đối chiếu hình ảnh của các con rắn, người nhà xác định chính xác là rắn cổ đỏ.
E ngại tình hình bé sẽ chuyển xấu nhanh, các bác sĩ Nhi đồng 1 liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có nghiên cứu về loại rắn này, song rất tiếc Việt Nam chưa có kháng huyết thanh độc "rắn học trò", chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng cho bé.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ đến nhiều nước để tìm kiếm kháng huyết thanh cho bé nhưng không có. Một viện nghiên cứu hợp tác bệnh viện ở Nhật đang thử nghiệm kháng huyết thanh này, song chế phẩm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa thể sử dụng được.
Bé điều trị ở khoa Hồi sức tích cực Chống độc, bác sĩ nỗ lực phối hợp nhiều biện pháp như truyền máu, chế phẩm máu, thuốc chống rối loạn đông máu... Tình trạng bé ngày càng nặng, không chỉ chảy máu ở vết thương mà còn diễn tiến xuất huyết chân răng, bầm nhiều ở mặt, dưới da..., nghi ngờ xuất huyết não. Bé suy hô hấp, tử vong tối 1/4, sau hai ngày điều trị tích cực.
Theo bác sĩ Phương, rắn hoa cổ đỏ có đầu màu xanh, cổ đỏ, thân nhiều màu sặc sỡ rất đẹp, nên thường được dân gian gọi là rắn hổ lửa, rắn bảy màu, rắn học trò, nữ hoàng bóng đêm...
Cũng theo bác sĩ Phương, loại rắn này độc nhưng được nhiều học trò thích bởi màu sắc đẹp. Đây là con rắn rất đặc biệt, không tự sản xuất ra chất độc do bản thân nó, mà lấy chất độc từ thức ăn. Thức ăn khoái khẩu là những thức ăn độc, đặc biệt là cóc.
Loại rắn này có 2 chiếc răng bơm chất độc và cấu tạo của nọc độc con rắn này đặc biệt là nó nằm ở góc răng cụt (sâu trong hàm) chứ không phải răng nanh như những loại rắn khác. Nếu nó chỉ cắn bên ngoài thì người bị cắn sẽ không "dính" răng bơm nọc. Bệnh nhi nói trên không may bị cắn khi con rắn mở to miệng, nên bị rắn bơm nọc vào. Độ nặng của bệnh nhân còn tùy thuộc vào lượng nọc con rắn bơm vào.
Rắn cổ đỏ được ghi nhận là một loài có tính khí vô cùng thất thường. Có những lúc loài rắn này rất hiền lành tuy nhiên có những trường hợp rắn hoa cỏ cổ đỏ trở lên hung dữ và sẵn sàng tấn công bất cứ đối tượng nào có ý định xâm phạm chúng.
Bác sĩ Phương khẳng định rắn cổ đỏ hay còn gọi "rắn học trò" là rắn độc, do vậy trẻ không nên nuôi và chơi. Người lớn cũng không nên ăn hay ngâm rượu rắn cổ đỏ bởi nọc độc không biến thể bởi nhiệt, axit, rượu... Nếu bị rắn cổ đỏ cắn, người nhà phải đưa bệnh nhân đến cơ quan y tế gần nhất, rửa vết thương cho sạch, không được dùng garo cầm máu bởi loại rắn này cắn xong không gây tử vong ngay.