Bắt khẩn cấp cha ruột bé gái 8 tuổi tử vong do bạo hành
Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết đã bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái, cha ruột bé gái 8 tuổi bị bạo hành.
Ngày 31/12 Công an quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1, TP HCM) do có hành vi đồng phạm giúp sức với bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai) liên quan đến đến vụ việc bé V.A tử vong, có yếu tố bạo hành.
Công an quận Bình Thạnh cho biết, sau khi VKSND cùng cấp phê chuẩn, đơn vị đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái vào tối hôm qua (30/12).
Hiện công an quận Bình Thạnh đang tiếp tục lấy lời khai ông Thái để phục vụ điều tra.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái
Hôm qua 30/12, Công ty ERA Vietnam đã ra thông báo chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Kim Trung Thái và khẳng định "dì ghẻ" cháu bé không phải là nhân viên chính thức.
Doanh nghiệp ra thông báo chấm dứt hợp đồng đối với cha ruột cháu bé tử vong nghi do bị bạo hành (Ảnh chụp màn hình).
Trước đó ngày 28/12, cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996, quê Gia Lai, trú quận Bình Thạnh) về hành vi “Hành hạ trẻ em”.
Nạn nhân là cháu N.T.V.A (SN 2013, ngụ quận 1, tạm trú quận Bình Thạnh).
Được biết, cháu V.A là con của ông Thái, sống cùng Trang và ông này tại một căn hộ ở khu chung cư cao cấp, phường 22, quận Bình Thạnh.
Liên quan sự việc này, ngày 30/12, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9617/VPCP-NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về xử lý hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
1. Bộ Công an, UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
2. Các Bộ: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị: số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, số 08/CT-TTg ngày 4/2/2020 đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường..; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ hoặc không xử lý các vụ hành hạ, xâm hại trẻ em.
3. Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh các vụ án có liên quan đến hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.
4. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em.
5. Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên trong gia đình đề cao trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ trẻ em.