Bật điều hòa sưởi nên để bao nhiêu độ?
Vào mùa đông, không ít gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ để sưởi ấm, chống lạnh nhưng lại băn khoăn về lượng điện năng tiêu tốn. Vậy nên bật điều hòa bao nhiêu độ để vừa tiết kiệm điện, vừa tốt cho sức khỏe?
Điều hòa 2 chiều đang được sử dụng phổ biến, nhất là tại các gia đình miền Bắc. Nếu như vào mùa hè, các chuyên gia khuyên rằng người dùng nên để nhiệt độ lý tưởng từ 24 - 26 độ C, vậy thì mùa đông, con số này là bao nhiêu?
Mùa đông nên bật điều hòa bao nhiêu độ?
Nhiều gia đình quan niệm rằng, vào những ngày rét đậm thì nên bật điều hòa ở mức nhiệt càng cao càng tốt, tức là cung cấp lượng nhiệt càng ấm. Thậm chí có gia đình còn bật mức 30 độ C, trên 30 độ C. Tuy nhiên trên thực tế, mức nhiệt này là quá nóng so với nhiệt độ trong nhà.
Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực điện máy, thiết bị gia dụng, nếu sử dụng điều hòa 2 chiều ở chế độ sưởi vào mùa đông, người dùng nên cài đặt ở mức nhiệt khoảng 20 - 22 độ C. Đây cũng là mức nhiệt tối ưu nhất.
Khi đi ngủ, có thể tăng lên khoảng 24 - 25 độ C. Nếu gia đình có người cao tuổi hay trẻ nhỏ, có thể tăng nhiệt độ lên 26 độ, quạt gió hay điều chỉnh về mức độ thấp nhất. Bởi vào ban đêm, nhiệt độ ngoài trời thường sẽ giảm xuống và trở nên lạnh hơn. Khi con người chìm vào giấc ngủ, cơ thể cũng cần được tăng cường giữ ấm hơn so với các thời điểm khác trong ngày.
Nếu sử dụng điều hòa với nhiệt độ quá cao sẽ khiến trẻ bị đổ mồ hôi, thậm chí gây đột tử. Ngược lại, nếu chỉnh điều hòa nhiệt độ về mức quá thấp có thể gây cảm lạnh cho trẻ. Để đảm bảo có được mức nhiệt phù hợp hãy điều chỉnh điều hòa từ từ và quan sát trạng thái của trẻ. Khi trẻ không còn xuất hiện mồ hôi, quấy khóc thì mức nhiệt điều hòa đã đạt yêu cầu.
Việc sử dụng điều hòa sẽ giúp không gian trở nên ấm áp hơn nhanh chóng. Tuy nhiên, bật điều hòa trong thời gian dài có thể khiến làn da trẻ mất đi độ ẩm, mũi và cổ họng bị khô. Bởi vậy, chỉ bật điều hòa khi thời tiết quá lạnh hoặc sử dụng với khoảng thời gian hợp lý.
Bên cạnh đó, bật nhiệt độ sưởi quá cao còn khiến điều hòa có thể bị quá tải, lâu ngày dẫn tới suy giảm tuổi thọ thiết bị và hỏng hóc.
Ảnh minh họa.
Nếu nhiệt độ ngoài trời quá lạnh, xuống dưới 10 độ C, người dùng tốt hơn hết nên sử dụng chế độ sưởi của điều hòa kết hợp với các thiết bị sưởi khác trong nhà như máy sưởi chuyên dụng, quạt sưởi.
Tương tự như khi bật điều hòa ở chế độ làm mát, khi bật chế độ làm ấm của điều hòa, người dùng cũng nên giữ không gian ở trạng thái tương đối kín để việc làm ấm của thiết bị diễn ra nhanh chóng, hiệu quả, không gây lãng phí. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các thiết bị giúp cân bằng độ ẩm trong không gian.
Một số phương pháp khác làm ấm nhà vào mùa đông
Bên cạnh việc sử dụng chế độ làm ấm của điều hòa 2 chiều hoặc các thiết bị sưởi chuyên dụng, các gia đình có thể áp dụng một số phương pháp khác để làm ấm ngôi nhà.
Đầu tiên, đảm bảo đóng kín các cửa, đồng thời sử dụng khăn, vải, giấy, hoặc những vật liệu khác bít kín những lỗ hổng hay khe cửa. Gió lạnh từ bên ngoài sẽ không thể lùa vào trong nhà theo đường này và giúp căn nhà ấm áp hơn nhiều.
Ảnh minh họa.
Để tăng thêm độ ấm áp cho ngôi nhà, căn phòng, người dùng cũng có thể sử dụng thêm những tấm thảm trải sàn dày. Phần lớn nhiệt trong phòng có thể thoát ra qua sàn gỗ và gạch, khiến cho căn phòng trở nên lạnh lẽo. Một phương pháp đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả ai cũng có thể áp dụng để giữ ấm nhà trong mùa lạnh chính là trải thảm. Thảm trải sàn vừa có tác dụng khiến căn nhà thêm ấm cúng đồng thời góp phần bảo vệ đôi chân các thành viên gia đình một cách hiệu quả.
Ngoài ra, để "chủ động" bảo vệ ngôi nhà trước thời tiết, các gia đình nên trang bị một lớp cách nhiệt cho tường nhà. Hầu hết nhà đều được xây bằng tường gạch, đây cũng là vật liệu có tính hấp thụ nhiệt từ môi trường bên ngoài làm nhiệt độ trong phòng dễ bị mất đi khi trời lạnh hoặc tăng cao khi trời nóng. Việc “mặc thêm” 1 lớp vách cách nhiệt cho tường sẽ giúp giảm thiểu được sự thất thoát nhiệt độ trong phòng khi trời lạnh vào mùa đông.
--> Bật điều hòa liên tục hay bật tắt tiết kiệm điện hơn?