Thứ năm, 16/05/2024 15:53
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 08/02/2023 14:39

Bất an tại chung cư ở Long Biên - Hà Nội: Xử lý như thế nào?

Liên quan sự việc người phụ nữ chửi bới, dùng dao đe dọa hàng xóm tại chung cư ở Sài Đồng (Long Biên - Hà Nội), luật sư đã có những chia sẻ về các quy định của pháp luật.

Empty

Hình ảnh chị Y. dùng dao đe dọa hàng xóm. (Ảnh: Cắt từ clip).

Ngày 06/02 vừa qua, cư dân tại chung cư tại Sài Đồng địa chỉ tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã không khỏi bàng hoàng, lo lắng khi một người phụ nữ sinh sống tại đây đã có những hành vi chửi bới, thậm chí là dùng dao đe dọa, phá hoại cửa nhà các hộ gia đình khác.

Được biết, người phụ nữ này tên P.T.H.Y, sinh sống tại căn hộ ở tầng 9, tòa nhà L3 của chung cư. Chị Y có những biểu hiện như khóc lóc, la hét, chửi bới tại hành lang chung cư, luôn nghi ngờ mọi người xung quanh có ý hãm hại mình.

Sau khi tiếp nhận được thông tin về sự việc, Công an quận Long Biên đã vào cuộc và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp giải quyết.

z4092861071169_3aad562113c28f3d320b4870300a0476

Luật sư Đoàn Văn Tư

Chia sẻ về sự việc trên, Luật sư Đoàn Văn Tư - Công ty Luật Đoàn Gia thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: “Qua những chi tiết về vụ việc và những hình ảnh, đoạn clip được camera an ninh trong chung cư ghi lại, hành vi của chị Y. có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.”

Đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng thì theo điểm b khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể như sau: “Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;”

Từ hành vi chị Y. cầm con dao đi dọc hành lang chung cư, gây rối trật tự, chửi bới và đe dọa cư dân khiến cho an ninh trật tự tại khu chung cư bị ảnh hưởng, theo quy định của pháp luật, chị Y. có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền nêu trên.

Ngoài ra, theo Luật sư Đoàn Văn Tư, hành vi của chị Y. còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.”

Xét về mặt khách thể: Xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định nơi cộng đồng. Ngoài ra còn xâm phạm đến các hoạt động đi lại, làm việc, vui chơi, nguyên tắc an toàn nơi công cộng tại nơi có nhiều người qua lại, đồng thời xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của những người xung quanh. Đối với mặt chủ thể: Là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật.

Về mặt khách quan, cần xác định rõ hành vi dẫn đến hậu quả.

Cụ thể, hậu quả của hành vi sẽ là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích. Ngoài ra, hậu quả của hành vi sẽ không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Xét về mặt chủ quan: Hành vi được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là ảnh hưởng cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi là sẽ gây nguy hiểm và gây mất trật tự an ninh công cộng nhưng mong hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Cũng theo Luật sư Đoàn Văn Tư, đối với trường hợp của chị Y., cần xem xét và xác định rõ yếu tố về mặt chủ thể và mặt chủ quan do những hành vi của chị có liên quan đến các biểu hiện thể hiện tình trạng sức khỏe, tâm lý không được bình thường và ổn định.

Lê Quân - Hà Long  
Xem thêm