Bão số 3 WIPHA ngoài khơi, Hà Nội đã "tê liệt" vì dông lốc
Ảnh hưởng từ bão số 3 WIPHA, Hà Nội có mưa dông kèm gió lớn, chỉ 1 tiếng dông lốc, nhiều tuyến phố ngập úng, cây đổi đổ la liệt.
Theo cập nhật mới nhất từ TTLTTV, bão số 3 WIPHA ở vào khoảng 20,7°N – 118,4°E, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h với sức gió mạnh nhất cấp 10 (89–102km/h), giật cấp 12.
Bão số 3 WIPHA vẫn ở ngoài khơi nhưng ở Hà Nội, khoảng 16h20 bầu trời chuyển tối sầm, sau đó là gió và mưa kéo dài, kèm theo gió giật mạnh và sấm sét.


Ghi nhận của PV Tạp chí Gia đình Việt Nam, khoảng 16h30 chiều 19/7, nhiều khu vực như đường Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh, khu đô thị Vinhomes - Smart, Mỹ Đình... đã xảy ra mưa lớn kèm gió to khiến nhiều công trình hư hỏng, mái tôn bay nhiều nơi. Mưa to kèm gió giật mạnh khiến các phương tiện đặc biệt là xe máy phải dừng lại như khu vực Nguyễn Xiển.
Theo ông Trần Văn Nam ở tầng 28 một căn chung cư Mỹ Đình - Hà Nội cho biết: "Đang ở trong nhà thì nghe sấm liên hồi, sau đó là mưa lớn kèm gió mạnh. “Nhiều chậu hoa ngoài sân bị đổ, mái hiên rung lắc mạnh vì gió”, ông nói.


Còn bà Nguyễn Thị Phú cho biết cũng nghe có tin bão sắp về nhưng thấy bão còn ở xa, buổi trưa trời vẫn nắng nóng nên không nghĩ cơn mưa dông lại lớn đến vậy: "Tôi không kịp chuẩn bị gì, chỉ biết đóng chặt cửa sổ".

Sau 30 phút mưa to, một số tuyến phố nội thành Hà Nội xảy ra hiện tượng ngập úng, các phương tiện di chuyển chậm trên đường. Một số tuyến đường như Cầu Giấy, Quan Hoa có hiện tượng cây đổ.

Ở ngoại thành như Thanh Oai, mưa to kèm gió lớn chỉ xảy ra trong khoảng 30 phút từ 17h - 17h30 phút nhưng khiến một số cây đỏ trong khu vực trường học. Các công trình nhỏ chuẩn bị tổ chức ở các sự kiện cũng có hiện tượng hư hỏng.
Một số khu vực như Thanh Trì, Chương Mỹ mất điện diện rộng.




Mưa giông dữ dội kèm gió giật mạnh và sét khiến nhiều chuyến bay đến và đi từ Nội Bài phải tạm dừng khai thác. Các hãng hàng không đồng loạt phát cảnh báo và điều chỉnh lịch bay.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh (trung bình khoảng 20km/h) có vùng mưa lớn và gió mạnh lệch về phía tây và phía nam.
Ông Lâm cảnh báo do ảnh hưởng của bão, nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất trong 24 giờ tới là gió mạnh, sóng lớn trên khu vực phía Bắc và giữa của Biển Đông (vùng biển đặc khu Hoàng Sa); vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 10-12, gió giật cấp 15.
Từ khoảng ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và mưa lớn do bão Wipha, theo ông Lâm.
Vị chuyên gia nhận định khoảng gần sáng và ngày 22/7, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh, mưa lớn và nước dâng. Sóng lớn kết hợp thủy triều ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng (từ trưa và chiều các ngày 21-23/7).
Trên đất liền, ông Lâm nhận định phạm vi ảnh hưởng của bão Wipha rộng, hầu khắp khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa.