Bao giờ nước sông Đà có thể dùng để nấu ăn, uống?
Liên quan việc nước sinh hoạt bị nhiễm dầu thải, công ty Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, do chưa có kết quả phân tích nên nước chỉ dùng để tắm rửa.
Triệu tập 2 người liên quan trực tiếp tới việc đổ chất thải vào nguồn nước sông Đà
Dầu thải từ một con suối chảy vào Đầm Bài cung cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) hôm qua đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, bộ luật Hình sự.
Trong buổi họp báo chiều qua, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình - Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức nói, quá trình nắm bắt thông tin, xử lý vụ việc liên quan đến sự cố gây ô nhiễm nguồn nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà nhận thấy có dấu hiệu hình sự. Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại điều 235, bộ luật Hình sự.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình đang tập trung truy xét, điều tra, làm rõ đối tượng đổ thải chất thải nguy hại gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới vụ việc, Công an tỉnh Hòa Bình chiều qua đã triệu tập 2 người được cho là có liên quan đến việc đổ dầu gây ô nhiễm nguồn nước.
Hòa Bình vẫn tăng cường dọn dầu thải nguồn nước ô nhiễm
Ảnh: Báo Giao thông
Đầu nguồn nước bị ô nhiễm ở Hòa Bình cho tới ngày 17/10, theo nguồn tin báo Giao thông, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang cho công nhân khẩn trương dọn dẹp khu vực lòng suối Trâm. Các máy xúc tiếp tục làm việc hết công suất để đào đất, nạo vét suối. Còn tại vị trí dầu thải chảy từ đỉnh núi xuống suối Trâm, các công nhân đang tiến hành rải một lớp cát để thấm dầu, sau đó thu gom số cát này đi đến điểm tập kết.
Bao giờ người dân thủ đô có thể dùng nước của Công ty nước sạch sông Đà để ăn uống?
Người dân đã có nước nhưng không dám dùng
Chiều ngày 17/10, UBND TP Hà Nội cho biết, trước sự việc liên quan đến Nhà máy nước sạch sông Đà, TP Hà Nội đã điều chỉnh nguồn cung cấp từ Nhà máy nước sạch Hà Nội và Nhà máy nước sạch sông Đuống để cung cấp cho các khu vực ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông.
Trước đó, Công ty nước sạch sông Đà cũng đã đóng nguồn cấp nước, tiến hành súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn, các công việc này đã hoàn thành vào chiều ngày 16/10.
UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở các công việc đã và đang thực hiện, kết hợp với kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lấy ngày 14/10 tại điểm nguồn vào của Nhà máy nước sông Đà, có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, trong đó chỉ tiêu styren có kết quả là 5µg/l thấp hơn quy chuẩn cho phép là (20µg/l).
Báo cáo thường niên cho thấy Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội gồm ba quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long.
Trong 4 năm trở lại đây, mỗi năm Viwasupco đều đạt doanh thu trên 400 tỷ đồng và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, chiều ngày 16/10, khu vực Nhà máy nước mặt sông Đà đã đảm bảo an toàn. Do vậy, từ 20h30 ngày 16/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống.
Tuy nhiên, thông báo của công ty Sông Đà cũng khuyến cáo người dân "chỉ nên dùng nguồn nước này để tắm giặt". Nhiều người dân thủ đô thậm chí vẫn không dám sử dụng nguồn nước được cung cấp vì cho rằng vẫn chưa thực sự đảm bảo an toàn.
Tại buổi họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố Hà Nội diễn ra vào ngày 17/10, về việc nước bao giờ… sạch trở lại, đại diện công ty Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: "Đến nay do chưa có kết quả phân tích nên nước chỉ dùng để tắm rửa, vệ sinh theo đúng khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội".
"Khi nào có kết luận xét nghiệm chỉ tiêu thì mới có thể khẳng định được, kết luận xét nghiệm ngày 16/10, công ty chưa nhận được. Điều này phụ thuộc vào tiến độ Trung tâm kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội. Mong cơ quan báo chí có ý kiến để cơ quan chức năng sớm có kết quả xét nghiệm nước đầu ra để chúng tôi xin ý kiến UBND thành phố Hà Nội", đại diện Công ty Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết.
Dân cần thông tin minh bạch
Chỉ trong vòng hơn một tháng, người dân thủ đô phải đối mặt với hai sự cố gây hoang mang, lo lắng. Đó là vụ cháy Rạng Đông và nước sạch sông Đà ô nhiễm dầu thải. Tuy nhiên, qua 2 sự việc này, có thể thấy, mọi khuyến cáo sau sự cố đưa ra được đánh giá là khá chậm chạp. Các biện pháp triển khai xử lý sự cố của cơ quan chức năng Hà Nội sau đó cũng cho thấy sự lúng túng, không có giải pháp, kế hoạch cụ thể.
Hà Nội là một đô thị lớn, đông dân với rất nhiều vấn đề nảy sinh và có thể trở thành sự cố gây lo lắng, hoang mang cho người dân bất cứ lúc nào. Trong cả hai vụ việc trên, người dân chỉ cần chính quyền sớm đưa ra những thông tin, cảnh báo kịp thời để họ có biện pháp tự ứng phó, chứ không phải những khuyến cáo đưa sau 5-7 ngày.
-> Nước sạch sông Đà chỉ xin lỗi khách hàng khi nào có kết luận
Xem thêm: Phó GĐ nhà máy nước sông Đà phát biểu tại họp báo về sự cố ô nhiễm nguồn nước (Nguồn: Tiền Phong)