Bán hàng vỉa hè mua nhà tiền tỷ, nuôi ba con ăn học thành tài
Đã gần chục năm nay, dù mùa đông hay mùa hè, cứ đúng giờ, anh chị lại đẩy xe hàng ra và nửa đêm kéo xe về. Ít ai biết rằng, bằng những đồng tiền ít ỏi đó, anh chị đã nuôi được 3 con ăn học và danh mua được căn nhà hơn 1 tỷ đồng.
Cứ đúng 1h30 chiều mỗi ngày, người dân xung quanh con ngõ nhỏ tại Dương Quảng Hàm (Hà Nội) lại thấy gia đình anh Tình, chị Vinh lại đẩy chiếc xe chở hàng cồng kềnh ra đầu ngõ. Chị Tình là chủ của một ‘cửa hàng’ bán đồ ăn vặt vỉa hè với chiếc xe chở hàng, dăm chiếc bàn, một ít bánh bao, xúc xích, một xoong tào phớ lớn, ít trứng vịt lộn, chè và nước sấu giải khát mùa hè.
Cuộc nói chuyện giữa tôi và chị đôi khi bị ngắt bởi những tiếng khách hàng mua bán liên tục. Vừa thả chiếc nem vào chảo mỡ sôi giữa thời tiết 38-39 độ, chị vui vẻ kể chuyện giữa những giọt mồ hôi tuôn rơi.
Bán con lợn được 480 nghìn đồng lên Hà Nội lập nghiệp
Anh và chị quê gốc tại Nho Quan, Ninh Bình. Những năm 2000 khi mưa lớn gây ngập úng mất mùa, anh chị quyết định lên Hà Nội làm ăn sinh sống. Năm 2002, với đồng vốn vẻn vẹn 480 ngàn đồng nhờ lợn, cả hai lên Hà Nội…thuê nhà để bán cua ốc. “Các con đứa thì bán dưa chuột, đứa bán mướp”.
Chị Tình vui miệng kể: “Mới lên Hà Nội, lớ ngớ chưa biết đường, tôi chỉ nhớ đường đầu tiên ra khỏi nhà. Còn sau đó, tôi đếm đúng 17 cột đèn đường thì tới chợ đến bán cua”.
Mới ra Hà Nội, nhiều chuyện cười ra nước mắt, chị kể: “Có chiếc xe đạp cũ, lúc ngồi bán hàng, tôi phải lấy sợi dây đen đen buộc vào cổ chân. Trộm nó có lấy sẽ động ngay”.
Công việc bán cua ốc phải bắt đầu từ 3h đêm cho tới 8h sáng hôm sau. Chú cứ 2-3 hôm lại về quê lấy ốc một lần. Nhiều khi, việc xé cua và giã cua khiến những đầu ngón tay cả nhà sưng lên và mưng mủ. “Lãi mỗi ngày của cả nhà chỉ được 50 nghìn thôi”.
Sau chị chuyển nghề bán ngô luộc, chồng thì chạy xe ôm. Mùa đông thì bán bánh khoai, bánh chuối, bánh bột mì… Mùa hè bán nước ngọt, nước sấu, tào phớ…
Cứ như vậy, dành dụm và dè xẻn, anh chị cũng dành tiền mua được căn nhà riêng rộng 20m2 trong một ngõ nhỏ với giá hơn 1 tỷ. Chị nói gia đình mình có duyên đường buôn bán, bán gì cũng rất đắt hàng. Quả thật, ngồi quán chỉ một lúc, tôi đã thấy hàng chục lượt khách quen ra mua hàng.
Chạy xe ôm gần ngay cạnh quán, khi quá bận rộn, chồng chị vẫn thường chạy qua phụ giúp mẹ con những khi vắng khách. |
Phúc đường con cái
Chị Minh, ở gần gia đình chị Tình cho hay: “Nhà này có 3 đứa con ngoan lắm, 2 đứa đầu đỗ mấy trường Đại học liền. Học trường to lắm. Thằng con út học siêng năng, được giải Văn toàn thành phố. Thầy cô khen suốt”.
Khi hỏi về con cái, chị Tình hồ hởi nói: “2 đứa đầu đang học Đại học Luật và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Năm nào cũng đươc học bổng. Thằng thứ 3 đang học lớp 11. Đứa đầu còn đi dậy thêm, làm thêm mua được cả chiếc xe máy hơn ba chục triệu đồng để phục vụ việc đi lại cho cả nhà”.
Chị kể, cậu út đang học lớp 11 nhưng đã đi gia sư cho các em học sinh lớp 7, lớp 8 và tự kiếm tiền mua xe đạp, sách vở, quần áo rét…thậm chí mua thuốc thang thăm ông bà rồi.
Cậu con út học lớp 11 nhưng đã đi làm thêm và là gia sư cho học sinh lớp 7.
Nhiều người trong con ngõ nhỏ đều mừng thay cho gia đình cô chú bán bánh khoai, xe ôm đầu ngõ. Nhiều người có điều kiện hơn nhưng chỉ mong ước con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang, hiếu thuận như “nhà cô bán bánh khoai”.
|
Cô con gái cả của gia đình rất chăm chỉ phụ giúp mẹ. Nhờ tiền tích góp nhờ làm thêm và học bổng, cô gái còn mua được chiếc xe máy gần bốn chục triệu làm phương tiện đi lại cho cả nhà.
Nhìn vào một cậu bé nữa đang loay hoay gắp bánh cho khách, tôi thắc mắc thì chị nói rằng, đấy là học sinh lên Hà Nội ôn thi Đại học cô nhận nuôi và cho chỗ ăn chỗ ở. Từ đợt các em nhà chị thi Đại học, thấy vất vả quá nên thương, năm nào cũng đưa vài đứa học sinh lên Hà Nội thi Đại học về nhà cho ăn, ở mặc dù phòng hơi chật chội và có phần nóng bức.
Quán ở một con ngõ nhỏ nhưng suốt 5-6 năm nay luôn đông khách. |
Nhiều lần, trước mỗi buổi thi, chị đều làm những chiếc phong bao nhỏ để sẵn những tờ tiền may mắn cho các em ở nhờ. Những hành động nhỏ thôi nhưng không phải ai cũng sẵn sàng làm, đặc biệt là với những người có hoàn cảnh như gia đình anh chị.
Bữa cơm gia đình không bao giờ đầy đủ
Bữa cơm muộn tại căn phòng nhỏ của gia đình anh chị chỉ có sự xuất hiện của 3 cậu con trai (trong đó có 2 cậu học sinh ôn thi Đại học ở nhờ). Đạt, con trai của chị Tình kể: “Gia đình em ít khi đầy đủ người ăn cơm vào bữa tối lắm. Mẹ và chị phải trông hàng. Bố thì chạy xe ôm thỉng thoảng phụ giúp mẹ”.
Những bữa cơm tối vắng vẻ của thành viên trong gia đình khi cô Tình và chú Vinh còn đang bận rộn ngoài quán. |
Bữa cơm thì không bao giờ đầy đủ, nhưng những phút giây mệt mỏi cuối ngày làm việc, mọi người trong gia đình cô đều cùng nhau chia sẻ những công việc nặng nhọc cuối cùng.
Dù những bữa cơm tối chưa từng trọn vẹn các thành viên trong gia đình, nhưng khó khăn, nhọc nhằn, họ đều san sẻ cùng nhau. |
Đúng 23 giờ đêm, tắt những ngọn đèn cuối cùng, gia đình chị Tình lại kĩu kịt đồ hàng, cùng đẩy xe thồ về cuối con ngõ nhỏ.
Tiếng của chiếc xe chở hàng cứ mỗi đêm lại văng vẳng trên con ngõ nhỏ, khi không còn người qua lại. Đây là giây phút nghỉ ngơi cuối ngày của cả gia đình cô Tình. |
Chẳng hề có nửa lời trách móc, than vãn hay kêu ca, tất cả mọi thành viên đều chung tay để chiếc xe về phía trước, cùng tính toán số tiền thu được ngày hôm nay và bàn xem ngày mai nên nhào thêm bao nhiều kg bột mì, mua bao nhiều gói xúc xích hay bánh bao...
Hồng Hạnh