Bà bầu là ‘nữ hoàng’ ở Hàn Quốc
Có quá nhiều trải nghiệm tuyệt vời về chuyện bầu bí ở xứ sở kim chi này thôi thúc tôi muốn “khoe một chút” với các mẹ bầu ở nhà.
Tôi đang trải qua 9 tháng hạnh phúc và vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình khi mang thai đứa con đầu lòng. Tôi là một bà bầu, chính xác là một bà bầu vô cùng sung sướng ở Hàn Quốc – quê hương chồng tôi. Có quá nhiều trải nghiệm tuyệt vời về chuyện bầu bí ở xứ sở kim chi này thôi thúc tôi muốn “khoe một chút” với các mẹ bầu ở nhà.
Mang bầu sếp không đuổi việc
Khi biết mình mang thai 3 tháng, sau giây phút hạnh phúc cũng là khi những lo lắng, băn khoăn ập đến khi tôi mới bắt đầu thử việc được 1 tháng. Liệu có công ty nào dám ký hợp đồng lao động với một nhân viên mà chỉ làm việc thêm 2,3 tháng đã nghỉ một mạch tới nửa năm chửa đẻ? Nếu ở Việt Nam, câu trả lời chắc chắn là “Không”. Tôi sợ rằng mình sẽ mất công việc này.
Mẹ đẻ tôi ở Việt Nam đã từng khuyên tôi nên cố giấu mọi người, đợi đến khi hợp đồng lao động được ký, “gạo nấu thành cơm” thì hẵng thông báo mang bầu. Vậy nhưng có vẻ tôi cũng không thể giấu được thêm khi những triệu chứng nghén ngẩm của mình ngày một rõ ràng.
Tôi cảm thấy buồn nôn bất cứ khi nào ngửi thấy mùi dầu vừng, gạo, tỏi, ớt, cá rán…Điều trùng hợp “tuyệt vời” ở đây là, tất cả những mùi vị tôi vừa liệt kê lại (đen đủi sao) đúng những thực phẩm đặc trưng của ẩm thực Hàn Quốc.
Làm sao có thể giấu giếm đồng nghiệp khi đến văn phòng, mỗi giờ cơm trưa? Tôi quyết định nói với sếp càng sớm càng tốt để tránh mất thời gian của cả hai bên và kết quả là: Tôi không hề bị đuổi việc.
Tiếp tục hoàn thành 2 tháng thử việc, tôi và cả đứa con trong bụng được ký hợp đồng chính thức với công ty. Một đồng nghiệp tốt bụng thậm chí còn chuyển chỗ ngồi làm việc của tôi ra nơi gần cửa sổ, xa nhà bếp để tôi cảm thấy thoải mái hơn.
Đi khám thai sản
Nói đến chính sách thai sản thì có lẽ chẳng mấy nơi tuyệt vời bằng Hàn Quốc. Đất nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Chính phủ đang phải vật lộn để khuyến khích người dân mang thai và sinh con.
Chính vì vậy, các bà bầu ở đây “sướng như tiên” khi chi phí khám thai và sinh đẻ gần như miễn phí. Mỗi một lần hẹn khám thai, thường ở những tuần 12, 16, 22…tôi đều được làm tất cả các xét nghiệm cổ tử cung, thử máu, kiểm tra nước tiểu, siêu âm và khám sức khỏe cả mẹ và bé vô cùng kỹ lượng.
Các bác sỹ ở đây luôn nắm rõ bệnh nhân của mình, kích thước, trọng lượng và mức độ phát triển của từng em bé. Thậm chí trước khi đi về, tôi còn được tặng một đĩa DVD ghi lại toàn bộ hình ảnh em bé trong bụng.
Cần nói, tất cả những quy trình tưởng như vô cùng chuyên nghiệp này lại được thực hiện ở một bệnh viện nhỏ và bình thường ngay gần căn hộ chúng tôi sinh sống chữ không phải cầu kỳ chọn lựa dịch vụ và bác sỹ như ở Việt Nam.
Cả xã hội nâng niu bà bầu
Bà bầu là “nữ hoàng” ở Hàn Quốc. Ở trên tàu điện ngầm hay xe buýt đông đúc, tôi luôn thong thả vì biết chắc chắn sẽ có 3 vị trí ghế đặc biệt được ghi rõ dành cho phụ nữ mang thai.
Khi tôi mang thai 3 tháng và bụng thực sự còn chưa hiện rõ, tôi đã thử không ngồi vào 3 chiếc ghế đặc biệt và ngạc nhiên khi thấy dù khi trên tàu chẳng có một “bà bầu” nào, tất cả mọi người cũng đứng chứ không ai ngồi vào vị trí đấy. Ở công sở, hầu như ngày nào tôi cũng nhận được những lời hỏi thăm “có mệt không?”, “con khỏe chứ” từ tất cả các đồng nghiệp mình vô tình gặp gỡ.
Ở trong các quán ăn, tôi luôn được quản lý và các nhân viên nhà hàng ưu tiên có đồ ăn ngay lập tức. Tất cả đều khuyên tôi nên ăn thật nhiều (đặc biệt là ăn cơm và canh rong biển).
Chuyện mang bầu có lẽ đã chẳng còn chút nặng nhọc vất vả nào khi ở Hàn Quốc. Tôi đang mong chờ những ngày tháng cuối cùng để được trải nghiệm dịch vụ sinh ở đây – cái tôi chắc chắn rằng cũng sẽ vô cùng tuyệt vời.