Ăn cơm rượu nếp có lên nồng độ cồn không?
Rượu nếp là món ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn liệu khi ăn rượu nếp có lên nồng độ cồn hay không?
Theo quy định xử phạt hành chính tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển ô tô tuyệt đối không được phép sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn; còn đối với xe máy và motor, giới hạn cho phép là không vượt quá 50mg/100ml máu hoặc dưới 0,25mg/1 lít khí thở.
Trong khi thực tế, việc có nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở không chỉ có uống rượu bia mà khi ăn hoa quả chín quá mức, uống nước trái cây lên men, sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, hay ăn thức ăn hấp bia, rượu, siro, thậm chí giấm ăn cũng đều có thể có nồng độ cồn trong máu và khí thở dù ở mức thấp.
Đặc biệt, cơm rượu là món đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 của người Việt. Vậy điều khiển phương tiện giao thông sau khi ăn cơm rượu nếp có lên nồng độ cồn và bị xử phạt hay không?
Cơm rượu nếp là món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết Đoan Ngọ (Ảnh minh họa)
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp, vì khi làm cơm rượu người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, còn rượu ủ 7 - 10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn. Người ăn cơm rượu nếp lượng quá nhiều hoặc ăn vào lúc đói có thể bị say.
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho rằng, ăn nhiều cơm rượu nếp cũng có thể dẫn tới bị quá nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bởi nồng độ cồn trên 0 độ vẫn là vi phạm giao thông. Vì vậy, ăn 1/3 bát cơm rượu nếp thì sau vài tiếng người dân hãy tham gia giao thông.
Đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia cũng cho biết, lực lượng CSGT đã được tập huấn kỹ càng về những thông tin này nên người dân gặp trường hợp tương tự chỉ cần giải thích rõ ràng. Nếu hơi thở có nồng độ cồn do ăn thực phẩm chứa đường thì sẽ không bị xử phạt.
Theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an thành phố Hà Nội, tất cả cán bộ, chiến sĩ thực hiện kiểm tra theo chuyên đề về đo nồng độ cồn đều được tập huấn, quán triệt kỹ càng quy trình xử lý theo các bước nhất định.
Theo đó, người điều khiển phương tiện được dẫn vào khu vực kiểm tra, nghe hướng dẫn cụ thể về cách thổi vào thiết bị chuyên dụng đo nồng độ cồn. Kết quả ngay sau đó cũng sẽ được in ra một bản giấy. Người điều khiển phương tiện nếu thừa nhận vi phạm, sẽ ký vào giấy báo kết quả đo và biên bản vi phạm hành chính sẽ được lập ngay sau đó.
“Nếu phát sinh các trường hợp kết quả đo khí thở có nồng độ cồn nhưng người vi phạm không thừa nhận việc mình đã sử dụng rượu, bia hoặc chất kích thích, mà giải thích rằng mình vừa ăn hoa quả, rượu nếp hay sinh tố... thì sẽ được lực lượng chức năng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để lấy máu kiểm tra. Việc ăn hoa quả hay rượu nếp chắc chắn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu.
Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký thông tư phối hợp, quy định trong những trường hợp cần thiết, lực lượng CSGT sẵn sàng mời người vi phạm đến cơ sở y tế để lấy máu, tiến hành đo nồng độ cồn, tìm ra nguyên nhân chính xác tuyệt đối”, Trung tá Vũ Văn Hoài thông tin.
Tuy nhiên, Trung tá Vũ Văn Hoài cũng cho biết, thông thường, đó chỉ là những lý do “ngụy biện” cho việc sử dụng bia, rượu, bởi với thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng, được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định, bảo đảm các thông số kỹ thuật an toàn thì sẽ không có tình huống xử phạt “oan” cho người ăn hoa quả.