6 điều tưởng đơn giản nhưng lại là tác nhân gây căng thẳng trong phòng ngủ
Những điều tưởng chừng như hữu ích trong phòng ngủ thực ra lại rất có hại cho sức khỏe, đặc biệt còn là tác nhân gây căng thẳng thêm mà không ai biết.
Sự lộn xộn
Ngay cả khi bạn là người có lối sống tối giản, bạn vẫn có thể có những đồ đạc bị vứt lộn xộn trong phòng ngủ.
Samantha Gambino, một nhà tâm lý học lâm sàng ở New York cho biết: “Khi không gian sống của mọi người lộn xộn và vô tổ chức, điều tự nhiên là cảm thấy căng thẳng và bất an”.
Sự bừa bộn có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và việc thư giãn đầu óc sẽ là một thách thức khi não bộ liên tục được nhắc về sự căng thẳng.
Ảnh minh họa.
Thú cưng
Thú cưng giúp con người vui vẻ và bớt cô đơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch song nếu để chúng ngủ cùng phòng, bạn sẽ khó được yên giấc. Thú cưng không chỉ chiếm thêm chỗ trên giường mà còn hay di chuyển và dễ tỉnh giữa đêm, khiến giấc ngủ của bạn bị gián đoạn.
Lauran Hahn, nhà trị liệu căng thẳng và lo âu ở Orlando, Florida (Mỹ) khuyên các gia chủ dành thời gian chơi đùa với thú cưng bên ngoài phòng ngủ. Bạn có thể nằm trên sofa ôm, nựng thú cưng rồi tạm biệt chúng để đi ngủ.
Ảnh minh họa.
Nửa kia
Những hành động của người kia như trở mình, ngáy, nói mơ hoặc vô tình giật chăn đều dễ khiến bạn mất ngủ.
Brenda Scott, chuyên gia sắp xếp ở Ontario (Canada) gợi ý các đôi vợ chồng xem xét việc ngủ phòng riêng hoặc kê hai giường đơn trong một phòng. Bạn cũng có thể sắm một chiếc giường lớn để có nhiều không gian hơn hoặc đơn giản hơn là nút tai.
Quần áo bẩn
Chúng ta thường thay đồ trong phòng ngủ, do đó biến phòng ngủ thành nơi chứa cả quần áo bẩn lẫn quần áo sạch. Điều này vừa khiến phòng ngủ thêm lộn xộn vừa tạo thêm gánh nặng tinh thần bởi bạn lúc nào cũng thấy mình cần dọn dẹp.
Để giảm bớt sự căng thẳng này, Brenda Scott khuyên nên giặt quần áo ngay khi thấy giỏ đồ bẩn đã đầy thay vì lên lịch giặt vào một ngày cố định. Bên cạnh đó, khi lấy quần áo sạch vào, bạn hãy gấp cất ngay chứ đừng bày trên giường.
Công việc
Trong thời điểm đại dịch, nhiều người làm việc tại nhà, điều này đã dẫn đến các khu vực thay thế, chẳng hạn như phòng ngủ, được sử dụng làm không gian làm việc. Stacy Lewis, một nhà thiết kế nội thất tại Eternity Modern ở Irvine, California cho biết: “Nếu phòng ngủ của bạn đột nhiên trở thành văn phòng giả, bạn cần thực hiện những thay đổi cần thiết để phù hợp với sự thay đổi trong lối sống và sử dụng không gian”.
Nếu phòng ngủ của bạn làm nhiệm vụ kép khiến bạn cảm thấy chật chội và bồn chồn, hãy bắt đầu làm việc từ một vị trí khác hoặc tạo các khu vực riêng biệt trong phòng ngủ của bạn nếu không gian cho phép.
Ảnh minh họa.
Lewis cho biết thêm: “Bạn có thể cần một chiếc bàn để ngăn cách không gian giường ngủ với không gian làm việc hoặc bạn có thể cần nhiều giải pháp lưu trữ hơn để ngăn chặn sự lộn xộn.
Thiết bị điện tử
Một thói quen gây stress trong phòng ngủ là nằm đọc tin tức trước khi vào giấc. Chưa kể, các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, laptop rất dễ khiến bạn quên mất giờ ngủ vì muốn xem nốt bộ phim hay đọc xong chương truyện. Ánh sáng xanh từ chúng cũng cản trở việc nghỉ ngơi.
Theo chuyên gia tư vấn giấc ngủ Ryan Fiorenzi, bạn có thể tạo môi trường phòng ngủ tối ưu bằng cách giảm ánh sáng đèn và tắt hết những thiết bị điện tử không dùng tới. "Như vậy, tâm trí của bạn sẽ không còn gì để tập trung vào và nhanh chóng đi vào giấc ngủ hơn", Fiorenzi nói.