27/7, thăm mẹ của liệt sĩ Gạc Ma: "Má ơi, tụi con về đây má!"
Mười chín năm qua kể từ ngày kết thúc hành trình gian nan đi tìm nhà anh Dư, năm nào anh Dũng cũng hai, ba lần khăn gói ra Tuy Hòa, Phú Yên cùng đồng đội về thăm mẹ Niệm.
Một ngày nắng chang chang hạ tuần tháng 7, tại một ngôi chợ nhỏ ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên xuất hiện hai người đàn ông ăn mặt chỉnh tề rảo quanh khắp chợ tìm mua bánh kẹo, hoa quả cùng những nén hương…
Họ lặng lẽ chọn những bó hoa, những thứ trái cây tươi nhất và cũng như những người đàn ông đi chợ khác, họ làm mọi thứ rất nhanh. Có tiếng người phụ nữ nào chép miệng: “Tội nghiệp, chứ vợ con đâu mà vất vả thế này”. Lại có người tự giải thích: “Chắc mấy ổng đại diện cơ quan nào đi phúng viếng”.
Hai người đàn ông đi quanh chợ
Chọn những trái cây tươi nhất
Từ thành phố Tuy Hòa đi theo hướng Tây chừng 25km về huyện Tây Hòa, họ xuống xe, tản bộ vào con đường làng quanh co bằng những bước chân quen thuộc.
Đi trên đường làng bằng những bước chân quen thuộc
Vừa đến nhà, bà mẹ già trên 80 tuổi, lưng đã còng quày quả bước ra, cả hai vội đến đỡ bà: “Má ơi, tụi con về đây má!”, “Bay lại về thăm má đó hở con?”… Họ đỡ mẹ ngồi xuống, hỏi thăm sức khỏe rồi cả hai đứng dậy bày hoa quả, thắp nhang lên bàn thờ bên cạnh.
Mẹ và con
Thắp nhang trên bàn thờ
Giây phút xúc động trôi qua, họ lại ngồi xuống hỏi chuyện nhà cửa, ăn uống, nghỉ ngơi của mẹ. Câu chuyện đang hồi vui vẻ, một người bất chợt tỉ tê: “Má nè, tụi con đi xe hết tiền đổ xăng rồi”. Gương mặt bà mẹ lộ rõ âu lo: “Chết, bay về thăm má vừa tốn kém lại bỏ hết nhà cửa, công ăn việc làm, có sao không hở con?”.
Nói đoạn bà lần giở trong túi áo ra “cục” tiền mong mỏng. Tờ 1.000, 2.000 đồng bà kẹp qua bên, lựa 4 tờ có mệnh giá “lớn” nhất trong đó là 100.000 đồng, phát luôn cho “hai đứa”. “Cần nhiêu cứ nói má nghe con!”, bà dặn.
"Cần nhiêu cứ nói má nghe con"
Hai người con bật cười, rưng rưng, rồi gãi đầu xin lỗi: “Tụi con chỉ muốn thử coi má còn minh mẫn tới đâu thôi”. Bà mẹ khẽ khàng: “Bay còn chọc má nữa hử?”.
Rồi mẹ con lại hỏi han nhau công việc làm ăn, sinh hoạt, cuộc sống... Câu chuyện thi thoảng lại ngắt quãng bởi những khoảng lặng, những phút giây ngậm ngùi, những giọt nước mắt tiếc thương người đã khuất.
Tên mẹ là Lê Thị Niệm, 86 tuổi, ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư, một trong 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma.
Hai người con là đồng đội anh Dư, cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Dũng từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Huỳnh Văn Trong ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Liệt sĩ Phan Tấn Dư
Hai cựu binh Nguyễn Văn Dũng (bên trái), Huỳnh Văn Trong (phải) và mẹ Niệm
19 năm qua kể từ ngày kết thúc hành trình gian nan đi tìm nhà anh Dư, năm nào anh Dũng cũng hai, ba lần khăn gói, vượt 120 cây số ra Tuy Hòa, cùng đồng đội về thăm mẹ Niệm.
“Tôi đã nhẹ lòng hơn, dẫu sao cũng làm được điều mình mong muốn là thỉnh thoảng thay Dư về chăm sóc má”. Tâm sự của người cựu binh, thương binh 2/4 Nguyễn Văn Dũng là cả câu chuyện dài về tình đồng đội của những người lính Trường Sa năm nào.
Nhưng trước hết, chính anh là người đang viết tiếp những dòng cảm động nhất về nghĩa tình người ở lại với những đồng đội của mình đã ra đi mãi mãi.
(Còn nữa)
Trang Hà