2 chân hoại tử vì vệ sinh kém sau khi bị ong đốt
Nhiều người chủ quan khi bị xước chân, tay đã không giữ vệ sinh tốt nên dẫn đến hậu quả nặng nề.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ, cho biết:
Đầu tháng 7, khoa tiếp nhận bệnh nhân N.H.V (nam, 45 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, suy thận, rối loạn đông máu nặng; 2 cẳng chân, bàn và cẳng tay phải sưng nề và hoại tử.
Trước đó 3 ngày, bệnh nhân bị ong đốt vào mu bàn tay phải và đã rửa vết thương dưới mương nước bẩn.
Sau 3 ngày thì xuất hiện sưng nề mu bàn tay phải, sốt nhẹ đồng thời đau nhức 2 bắp chân và khớp gối.
Điều trị tại bệnh viện địa phương 1 ngày thì bệnh nhân tổn thương sưng nề bắp chân 2 bên, bệnh diễn biến nhanh, da chuyển màu xanh tím và hoại tử.
Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng từ khuẩn Aeromonas Hydrophila.
Bệnh nhân bị hoại tử vì nhiễm vi khuẩn Aeromonas Hydrophila
Bác sĩ Cấp cho biết, với bệnh nhân này, có chỉ định cắt bỏ 2 chân từ đầu gối trở xuống vì đã hoại tử hết, trên cơ thể còn nhiều vị trí cũng hoại tử nhưng gia đình xin cho bệnh nhân về vì bệnh quá nặng.
Trước đó, cũng có một số trường hợp tương tự bệnh nhân N.H.V là anh P.X.T. (35 tuổi, ở Bắc Giang) bị vết xước ở mu bàn chân phải, sau đó đi lội nước bẩn.
Còn bệnh nhân P.V.T (nam, 40 tuổi, ở Nam Hồng, Tiền Hải, Thái Bình) đi bắt cá, bị ngạnh cá đâm vào mu bàn tay phải chảy máu, rồi không vệ sinh vết thương sạch sẽ sau đó.
Theo thống kê, từ năm 2012 tới nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm trùng liên quan vi khuẩn Aeromonas Hydrophila.
Những năm gần đây cũng xuất hiện các ca nhiễm trùng nặng liên quan đến vi khuẩn liên cầu lợn, với đặc điểm bệnh rất giống với nhiễm trùng Aeromonas Hydrophila.
Tuy nhiên, 2 loại nhiễm trùng này lại có cách xử lý khác nhau nên nếu không có kinh nghiệm, bác sĩ rất dễ chẩn đoán nhầm và điều trị sai hướng, có thể dẫn tới tử vong.