Cụ bà U80 bán rau: 7 con không ai nuôi nổi mẹ
Tuy đã 79 tuổi, có 7 người con và có tới 13 người chắt nhưng hàng ngày cụ Nguyễn Thị Đoài (xóm 18, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn phải đi bán rau dạo. Cụ bảo, “Sống ngần này tuổi con cháu chẳng giúp tôi được việc gì, ngược lại tôi còn phải lo cho chúng”.
Cụ Đoài vốn sinh ra ở Cổ Nhuế, lấy chồng sinh con cũng ở đây. Ngày trước hai ông bà chỉ cày cấy, chăn nuôi tích cóp từng đồng nuôi 7 người con ăn học. Khi các con đã trưởng thành, yên bề gia thất thì cụ ông mất sau một trận ốm, mới đó đã ngót nghét 25 năm. Cụ có ba người con trai, bốn người con gái, anh con trai thứ hai mất vì bệnh thần kinh năm 24 tuổi, nguyên nhân cũng chỉ vì sốt cao biến chứng, nhà cụ nghèo không có tiền chạy chữa.
Cụ Nguyễn Thị Đoài 79 tuổi vẫn phải đi bán rau hàng ngày
Trong số mấy người con, người ở xa nhất là ở La Phù (Hà Đông) còn lại đều ở quanh khu vực Nghĩa Đô, Cổ Nhuế nhưng hầu như chẳng mấy khi qua lại thăm nom cụ.
Các con cụ ai cũng đã lên chức ông bà, cụ nhẩm đến giờ mình đã có 13 đứa chắt đều đang đi học nên ít qua chơi với cụ.
Cụ bảo “Chẳng đứa nào thương tôi, chẳng đứa nào nuôi tôi được một ngày. Tôi cực lắm! Đúng là Tiếc công bắt tép nuôi cò/ Nuôi cho cò lớn cò dò bay đi”.
Cách đây mấy năm nhà cụ Đoài nằm trong diện thu hồi đất, được một khoản tiền cụ đem xây cất được căn nhà tử tế hơn nhưng cũng từ dạo ấy nhà cụ không được nhận khoản hỗ trợ hộ nghèo nữa.
Con cái cụ cũng vì khoản tiền đền bù ấy mà sinh chuyện, anh em “cấu xé” lẫn nhau. Thỉnh thoảng các con cụ lại sang nhà gây chuyện, đòi cụ chia tài sản, người con gái lớn của cụ bốn năm nay không còn góp tiền làm giỗ bố.
Cụ thường đi bán ở đường Cổ Nhuế
… hoặc ngồi ở ngõ 347 (Cổ Nhuế)
Hiện tại cụ đang sống với người con gái thứ sáu quá lứa lỡ thì, có chửa với một anh thợ xây nhưng không được nhận con. Hàng ngày con gái cụ đi hái rau sớm mang ra chợ đường tàu bán, còn cụ ở nhà cho đứa cháu gái ăn sáng đi học xong xuôi rồi cũng ra ruộng hái được hơn chục mớ rau đem đi bán dạo.
Cụ bảo cháu gái học lớp năm rồi nhưng vẫn còn nhát, không tự đi học được, đến ở nhà một mình nó còn chẳng dám. “Sức học của nó kém lắm vì chẳng có ai bày dạy cho, người ta còn bảo bây giờ muốn dạy con học thì phải đi học lại”, cụ Đoài than thở.
Cũng vì lo cho đứa cháu gái mà buổi chợ của cụ thường bắt đầu muộn, rau không bán được nhiều. Ngày hai buổi sáng - chiều cụ đi bán dạo dọc đường Cổ Nhuế hoặc ngồi ở ngõ 347, trung bình mỗi ngày kiếm được 50.000 – 60.000 đồng, có hôm còn ít hơn.
Rau bán không hết cụ đem về ăn hoặc mang cho hàng xóm, mà hầu như chẳng hôm nào cụ được hết hàng. Số tiền kiếm được hàng ngày cũng chỉ đủ cụ thuốc thang cho những căn bệnh của tuổi già như huyết áp cao, men gan cao, sỏi thận.
Trung bình mỗi ngày cụ kiếm được 50.000-60.000 đồng, chỉ đủ thuốc thang cho những căn bệnh tuổi già
Cụ kể có đợt phải nghỉ bán rau hai tháng vì bị gãy chân. Sáng hôm ấy cụ từ trong ngõ ra, một cậu học sinh đi đường không chú ý nên va phải. Thằng bé vội đi học, trong túi không có nhiều tiền nên chỉ để lại một tờ giấy bảo là địa chỉ nhà, chiều con gái cụ tìm đến thì không thấy cậu ta đâu.
Cô Lan, chủ cửa hiệu tạp hóa ở ngõ 347 (Cổ Nhuế) cho biết: “Bà cụ khổ lắm, con cái đông nhưng chẳng đứa nào thương. Trước còn làm ruộng, kể từ ngày người ta lấy đất để xây chung cư cụ mới đi bán rau. Ngày nào cũng bán hai buổi ở ngõ này, hôm mưa thì vào ngồi nhờ ở cửa hàng nhà tôi. Có hôm, sáng bị ngã đau chân vậy mà chiều vẫn đi bán hàng”.
Hàng rau cụ Đoài chủ yếu bán cho khách qua đường hoặc sinh viên
Hôm nay lại thêm một buổi chợ nữa cụ không bán hết hàng, cụ bảo “Đấy! Có ai mua rau của tôi đâu. Tôi chỉ bán được cho vài ba khách dạo qua đường hoặc mấy đứa sinh viên đi học về muộn thôi”. Rồi cụ lại hớn hở khoe “Tôi cố bán hết hôm nay để ngày mai còn đi ăn cỗ ở đền Chúa!”.
Thùy Chi