Cô giáo mầm non bám trường gieo chữ nơi miền núi Quảng Ninh
Nằm heo hút, cách xa trung tâm nhưng nhiều năm qua các cô giáo tại điểm trường Đồng Mỏ và Bến Ván (Trường mầm non Mông Dương - TP mỏ Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh) vẫn bám lớp cùng các em nhỏ dân tộc thiểu số.
Đồng Mỏ và Bến Ván (Trường mầm non Mông Dương), phường Mông Dương, TP Cẩm Phả là hai điểm trường đặc biệt, nằm cách xa trung tâm phường gần 20km đường rừng núi với điều kiện đi lại khó khăn.
Hai điểm trường đều nằm ở khu 10, phường Mông Dương nhưng cách nhau khoảng 4km. Với địa hình nằm cuối của phường Mông Dương, tiếp giáp với huyện miền núi Ba Chẽ nên toàn bộ khu 10, phường Mông Dương chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, dạy ở điểm trường Đồng Mỏ cho biết: “Hiện ở điểm trường có tất cả 40 em học sinh ở độ tuổi 3-5 tuổi theo học, chia thành 2 lớp học với 3 cô giáo trực tiếp đứng lớp. Là điểm trường xa trung tâm nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều phụ huynh cũng chưa nhận thức được sự cần thiết cho con cái đi học, có khi cũng không để ý việc học của con. Hầu như năm nào các cô dạy ở điểm trường cũng đến tận nhà các cháu để vận động phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường cho con đi học”.
Đặc thù là vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế của các hộ gia đình đều phụ thuộc chính vào lâm nghiệp nên việc chăm lo cho học hành của con cái không phải hộ nào cũng có điều kiện.
“Bố mẹ các con chủ yếu đi làm lâm nghiệp, giờ giấc đi làm từ sáng sớm, tối muộn mới về, vì thế việc đưa đón các con đi học chủ yếu là anh hoặc chị đưa em đi học. Nhiều nhà có con theo học mầm non nhưng cô giáo chưa nhìn thấy phụ huynh lần nào. Chính vì thế các cô giáo như người mẹ, người cha thứ hai của các con, dù hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nhưng các cô vẫn bám điểm trường để dạy bảo các cháu”, cô Thúy chia sẻ thêm.
Điểm trường Đồng Mỏ cũng không thuận lợi hơn là mấy khi nằm sâu trong bản, sóng điện thoại, mạng Internet có như không. Để vào được điểm trường này phải men theo con đường bê tông nhỏ với những khúc cua tay áo.
Cô giáo Bùi Thị Yên, dạy ở điểm trường Bến Ván cũng cho biết: “Điểm trường có tổng 13 cháu ghép một lớp học ở độ tuổi 3-5 tuổi với 2 cô giáo đứng lớp. Là điểm trường xa nhất nhưng một số gia đình vẫn tích cực trong việc cho con đi học. Một số gia đình khác được các cô đến nhà vận động nên từ 3 tuổi cũng đã cho con đến trường”.
Nhắc đến món quà ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Yên vui vẻ đưa lên 2 bó hoa rừng được các em tặng cô từ sáng sớm.
“Ở đây các cháu ngoan, phụ huynh cũng tình cảm. Dù biết là điểm trường thiệt thòi về cơ sở vật chất dạy và học, đường sá đi lại xa xôi, nhiều cháu có gia cảnh khó khăn nhưng các cô giáo càng lấy đó là động lực để bám trường. Thời gian ở điểm trường nhiều hơn ở nhà nhưng các cô vẫn thấy hạnh phúc và vui vẻ, yêu nghề, yêu trẻ”, cô Yên tâm sự.
Cô Hoàng Thanh Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Mông Dương cho biết thêm: “Học sinh điểm trường Đồng Mỏ và Bến Ván chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Sán Dìu. Dù là hai điểm trường xa xôi nhưng nhưng mọi trang thiết bị dạy và học đều được trang bị cơ bản đầy đủ, cơ sở vật chất nhà nước cũng quan tâm xây dựng. Các cô giáo trực tiếp dạy ở điểm trường hàng năm đều được tăng cường vào đây đứng lớp. Hiện tại, hai điểm trường 100% các con ăn bán trú do 2 nhân viên nấu và được trả lương từ nguồn xã hội hoá do phụ huynh đóng góp”.
Để có được những lớp học đầy ắp tiếng cười đùa của các em ở các điểm trường vùng sâu vùng xa của TP Cẩm Phả không thể nào kể hết được công lao bám điểm trường của cô Thúy, cô Yên cùng bao cô giáo khác ở điểm trường Đồng Mỏ, Bến Ván. Những lớp học “mầm” đó sẽ giúp các em bước tiếp trên con đường vươn tới tri thức để thắp sáng tương lai.