Cách phòng và xử trí khi rắn vào nhà
Theo các chuyên gia, để tiêu diệt và xua đuổi được rắn lục đuôi đỏ thì trước hết người dân phải hiểu tập tính sinh sống và đặc điểm của loài rắn này.
Trong thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ thường xuyên xuất hiện ở một số tỉnh khu vực miền Trung khiến nhiều người băn khoăn, lo lắng bởi đây là loại rắn rất độc, đe dọa tính mạng con người khi bị cắn.
Tuy nhiên để tiêu diệt tận gốc loài rắn độc nguy hiểm này không phải ai cũng biết và không phải biện pháp nào cũng có thể tiến hành.Bởi, nếu không cẩn thận người dân sẽ là nạn nhân của loài rắn lục đuôi đỏ này.
Rắn lục đuôi đỏ rất độc, đe dọa tính mạng con người khi bị cắn
Trao đổi với Gia đình Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Viện Tài nguyên và Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) cho biết, loài rắn lục đuôi đỏ có tên khoa học là Trimeresurus albolabris, thuộc họ rắn lục (Viperidae), là một trong các loài rắn có nọc độc cực mạnh. Ở nước ta, nọc độc của loài rắn này chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa.
Về đặc điểm nhận dạng, loài rắn này có thân màu xanh và đuôi nâu đỏ, trung bình nặng khoảng 300 gram. Tổng chiều dài rắn đực là 600 mm, rắn cái dài 810 mm; chiều dài đuôi con đực 120 mm, con cái 130 mm.
Theo ông Hùng, đây không những là loài rắn độc mà nó còn là một trong những loài rắn có đặc điểm rất đặc biệt. “Nếu như những loài rắn khác, kể cả họ nhà rắn lục chúng thường để trứng, ấp trứng nở thành con, nhưng riên loài rắn lục đuôi đỏ lại để trực tiếp ra bao thai và rắn con chứ không đẻ trứng”, ông Hùng cho hay.
Ngoài ra, loài rắn này có một đặc điểm khác là thị lực rất thính vào ban đêm, nhưng ban ngày tầm nhìn của nó thường hạn chế, nên hoạt động chính của rắn lục đuôi đỏ chính là vào ban đêm.
Ông Hùng chia sẻ, để tiêu diệt được loài rắn này trước hết người dân phải hiểu được một số đặc điểm như trên để dễ dàng đối phó. Ví dụ, rắn hoạt động chủ yếu vào ban đêm thì tránh nguy hiểm người dân không nên đi rừng hoặc ở những nơi bụi rậm khi trời bắt đầu tối.
Trong nhà buổi tối cần đóng kín cửa chính và cửa sổ để tránh rắn đột nhập vào bên trong gây nguy hiểm cho con người. Việc tiêu diệt rắn tốt nhất là nên làm vào ban ngày và tìm kiếm ở những nơi có bụi rậm, hoặc ẩm thấp như đống rác.
Khi tiêu diệt rắn người dân không nên dùng tay bắt rắn mà cần phải có dụng cụ hỗ trợ như lòng sắt hoặc gậy chắc và dài. Khi rắn đã chết cũng không nên tiếp xúc với rắn trực tiếp bằng tay để tránh trường hợp không may mắc vào răn có nọc độc của rắn,
Ngoài biện pháp thủ công là trực tiếp tiêu diệt rắn, người dân có thể tìm ổ rắn sinh sôi để diệt tận gốc, bởi khi rắn con mới sinh ra thì rắn mẹ (rắn cái) sẽ chết ngay lập tức, trong khi đó rắn con vẫn nhỏ và yếu chưa có sự phản kháng nên độ nguy hiểm cũng ít hơn.
Rắn lục đuôi đỏ hoạt động chủ yếu vào ban đêm
Về lâu dài, để tránh sự sinh sôi cũng như sự tấn công của rắn lục đuôi đỏ thì biện pháp tốt nhất là phát quang bụi rậm nơi sinh sống, vệ sinh vườn nhà sạch sẽ để rắn không có nơi trú ngụ. “Thông thường khi không có nơi cư trú, rắn sẽ tự đi nơi khác tìm kiếm con mồi và trú ẩn”, ông Hùng cho biết.
Ngoài ra, một biện pháp cũng được một số người dân truyền tai để xua đuổi rắn đó là dùng bột hùng hoàng (hay bán ở hàng thuốc bắc), tên hóa học là arsenic sulfide. Đây là lọai thuốc loài rắn rất kỵ mùi. Khi rắn đánh hơi được mùi hùng hoàng thì chúng sẽ bỏ đi ngay lập tức vì đây là chất độc rất mạnh đối với chúng.
Tuy nhiên khi sử dụng cũng hết sức phải lưu ý vì đây là một loại độc tố đối với con người. Phải dùng bao tay cao su dầy và khẩu trang che mũi khi rắc hùng hoàng, lúc không có gió, và phải rửa tay thật sạch sau khi rắc xong. Đặc biệt không để lâu trong môi trường và không để nhiễm vào nguồn nước hay thức ăn. Xong mục đích đuổi rắn là phải thu dọn thật sạch. Ngoài hùng hoàng cũng thể thể dùng tram thơm đốt để xua đuổi rắn, đây cũng là loại mùi họ nhà rắn rất kỵ.
Lê Phương