Thứ tư, 01/05/2024 18:57
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 05/07/2023 07:30

Xử lý thế nào khi mất điện thoại có tài khoản định danh điện tử - VNeID?

Tài khoản định danh điện tử (VNeID) có nhiều thông tin, tiện ích. Vì thế khi không may bị mất điện thoại cần có biện pháp xử lý ngay tránh bị kẻ xấu chiếm đoạt.

Tài khoản định danh điện tử (VNeID) chứa nhiều thông tin quan trọng

Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tài khoản này được quản lý và xác thực qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển (VNeID).

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, với mỗi công dân sẽ chỉ có 1 tài khoản định danh điện tử duy nhất.

Tài khoản định danh điện tử của công dân có mức 1 và mức 2. Trong đó, mức hai là mức cao nhất, chứa nhiều dữ liệu thông tin cá nhân cũng như tích hợp nhiều tiện ích.

Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ được hưởng 5 lợi ích như: Tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo khi đi làm thủ tục hành chính công và tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ công trực tuyến...

Dinh-Danh-Dientu-1

Tổng đài 19000368 là một trong những địa chỉ để công dân báo khoá tài khoản định danh điện tử

Xử lý thế nào khi mất điện thoại có tài khoản định danh điện tử (VNeID)?

Với tính chất quan trọng đó, việc bảo vệ tài khoản VNeID là rất quan trọng. Trong trường hợp mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách:

Cách 1: Công dân yêu cầu khóa tài khoản trên ứng dụng VNeID bằng thiết bị di động khác có kết nối internet.

Cụ thể, khoản 1 Điều 19 Nghị định 59/2022 quy định, hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động ghi nhận và khóa tài khoản định danh điện tử của công dân trong trường hợp: "Chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình; Vi phạm điều khoản sử dụng ứng dụng VNelD; Bị thu hồi thẻ Căn cước công dân; Chủ thể danh tính điện tử chết.

Việc ghi nhận được thực hiện thông qua việc chủ thể của tài khoản định danh điện tử khai báo trên ứng dụng VNelD hoặc việc cập nhật thông tin vào hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ có yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử thì gửi đề nghị khóa tài khoản tới cơ quan công an để xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc, thủ trưởng cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị khóa tài khoản định danh điện tử phê duyệt việc khóa tài khoản đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều này và thông báo tới cơ quan, tổ chức đề nghị khóa tài khoản và chủ thể danh tính điện tử. Trường hợp từ chối khóa tài khoản thì có văn bản trả lời nêu rõ lý do".

Cách 2: Công dân liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.

Theo Công an Hà Nội, gặp phải trường hợp này, công dân cần thực hiện gọi điện tới Tổng đài tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội theo số 19000368 để yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử;

Hoặc đến cơ quan công an, nơi có tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử để yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử.

Ngoài ra, cá nhân có thể đến cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử, cung cấp thông tin xác thực chủ tài khoản định danh điện tử để yêu cầu khóa, mở khóa tài khoản định danh điện tử.

-> 6 bước kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Hoàng Sơn  
Xem thêm