Vụ học sinh nhiễm sán lợn: Tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức điều tra dịch tễ
Tỉnh Bắc Ninh sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức điều tra dịch tễ, nghiên cứu tình hình nhiễm sán lợn gạo trên người tại địa phương để đề xuất hướng xử lý.

Theo các bác sỹ, Sán lợn không phải là bệnh cấp tính và hoàn toàn có thể điều trị khỏi được.
Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh thông tin, trước tình hình người dân hoang mang đưa con em lên Hà Nội xét nghiệm sau vụ phát hiện mẫu thịt bị nhiễm sán lợn gạo trong bữa ăn của trẻ tại trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), về việc này tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức điều tra dịch tễ, nghiên cứu, phân tích tình hình nhiễm sán lợn gạo trên người tại địa phương để đề xuất hướng xử lý. Đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo việc tổ chức cho phụ huynh học sinh tại các trường mầm non, trường tiểu học có học sinh ăn bán trú tham gia giám sát nguồn gốc thực phẩm trong các bữa ăn của học sinh.
Tỉnh Bắc Ninh cũng hỗ trợ kinh phí xét nghiệm sán lợn cho các học sinh của 16 trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành; tổ chức lấy máu tại trạm y tế xã để gửi ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xét nghiệm, tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Hiện tại chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỷ lệ nhiễm sán trên địa bàn huyện Thuận Thành cũng như tỉnh Bắc Ninh. Trong khi đó, ở Việt Nam, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5- 12%.