Vụ 214 giáo viên bị sa thải: "Ngành giáo dục đã để họ rơi vào bi kịch"
“Đừng nghĩ chấm dứt hợp đồng lao động đối với một cô giáo là đơn giản chỉ là tờ giấy trắng mực đen ai đó đặt bút ký là xong. Đằng sau đó là những hệ lụy khủng khiếp. Thử nhân lên với con số 214 giáo viên thì tưởng tượng những hệ lụy đó càng đau lòng biết bao”, Luật sư Trần Đình Triển nêu ý kiến.
Như báo Gia đình Việt Nam đã đưa tin, do bức xúc trước quyết định cắt hợp đồng giảng dạy của lãnh đạo huyện Kỳ Anh và sau nhiều lần làm việc bất thành với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện của 214 giáo viên đã ra Hà Nội để kêu cứu báo chí, đài truyền hình, Bộ Nội Vụ, mong có được một lời giải đáp và một giải pháp tốt nhất để cứu vãn sự nghiệp của họ.
Mặc dù hầu hết trong số họ đều gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nhưng tất cả đều cố gắng vượt qua nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần với một quyết tâm tìm kiếm một câu trả lời thỏa đáng cho những bất công mà họ đang phải gánh chịu. Một cô giáo mang bầu ở tháng thứ 8, một cô giáo phải mang cả con nhỏ đi cùng vì không thể gửi cho ai, số còn lại đều không quen với việc đi xe ô tô vượt cả chặng đường 400 cây số và những ngày lang thang vạ vật ở các vỉa hè khói bụi của Hà Nội.
Chịu đựng sống những ngày vạ vật, vượt qua nỗi đau thể xác và tâm hồn để gõ cửa các cơ quan chức năng cấp cao nhất, những giáo viên này liệu có cơ hội để trở lại nghề đưa đò như họ mong mỏi?
Xung quanh sự việc này, PV Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân.
Thưa luật sư, mới đây sự việc 214 giáo viên ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh bất ngờ bị sa thải cũng khiến dư luận hoang mang. So với vụ việc của 185 giáo viên mầm non Sóc Sơn, Hà Nội, ông đánh giá thế nào về sự việc này?
Vấn đề liên quan đến giáo dục trong thời gian gần đây nổi cộm lên ở hai địa phương là Sóc Sơn, Hà Nội và Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cùng một hiện tượng giống nhau là bất ngờ bị sa thải nhưng cách giải quyết của Ủy ban nhân dân ở mỗi địa phương lại khác nhau. Qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy ở Kỳ Anh, họ ký hợp đồng thời hạn một năm, sau đó cứ gia hạn tiếp và thậm chí cuối cùng là gia hạn hợp đồng ký trong 3 năm.
Ở Kỳ Anh, trình độ giáo viên rất đáng ca ngợi. Đa số họ đều tốt nghiệp đại học và trong bao nhiêu năm đứng lớp, dù hoạt động ở dạng giảng dạy hợp đồng nhưng kết quả giảng dạy, lao động, thi đua của họ rất tốt.
Cô giáo Trần Thị Hồng - người đã vượt hơn 400km trong khi đang mang bầu 8 tháng để gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Việc một lúc sa thải 214 giáo viên như vậy theo ông có điều gì bất cập?
Tìm hiểu hồ sơ, tôi nhận thấy kết luận và quyết định chính sách của huyện Kỳ Anh đới với 214 giáo viên này là không đúng. Thậm chí trái với đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước ta là luôn chú trọng và không ngừng đáp ứng công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời không ngừng nâng cao đời sống cho người lao động cũng như công dân nói chung ở các mặt về phương diện giải quyết việc làm, tiền lương, thưởng và các mặt đời sống xã hội, các chế độ bảo hiểm. Thế nhưng có một điều rất lạ là trong các hợp đồng mà lãnh đạo huyện Kỳ Anh ký với các giáo viên, có những người dạy trên 10 năm, hưởng 85 % lương nhưng lại không được giải quyết về vấn đề bảo hiểm xã hội. Điều này là trái với các quy định pháp luật.
Luật lao động quy định, hợp đồng được ký 3 lần thì phải chuyển sang dài hạn. Còn ở Kỳ Anh, có những giáo viên trong quá trình làm việc thời gian dù 3 năm hay 5 năm, mười năm, các cô vẫn chỉ được hưởng một mức lương đóng khung duy nhất, không được tăng lương, nâng bậc. Điều này, dưới góc độ về luật lao động chế độ tiền lương và luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều không đúng.
Luật sư Trần Đình Triển
Sa thải bất cứ một lao động nào cũng là điều đáng tiếc, với một nghề cao quý như nghề giáo viên thì điều đó càng cay đắng, thưa ông?
Đúng vậy, việc xem xét, tuyển chọn trong ngành giáo dục cần hết sức cẩn trọng. Theo tôi, đây là một lực lượng lao động đặc biệt, họ giữ vai trò trồng người, chính họ là người dẫn dắt mầm mống tương lai, đào tạo những người kế nghiệp tương lai sự nghiệp cho đất nước vì thế những vấn đề liên quan đến họ cần được giải quyết thấu đáo, hợp lý. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để cho họ thực hiện tốt nhất sự nghiệp trồng người. Thế nhưng những giáo viên ở huyện Kỳ Anh không những không được tạo điều kiện mà còn bị làm khó, bị từ chối.
Hợp đồng Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh ký với các giáo viên này hoàn toàn sai so với những nguyên tắc cơ bản của luật giáo dục, viên chức và luật lao động.
Trong bộ luật lao động quy định rất rõ: Trường hợp doanh nghiệp hay người sử dụng lao động mà tổ chức đó bị giải thể, phá sản hay đổi mới cơ chế, yêu cầu cần thay đổi người lao động thì lúc đó mới được chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động. Còn nếu nhu cầu vẫn đang cần thì không được sa thải họ.
Theo thông tin được các giáo viên này cung cấp, sau khi có quyết định sa thải 214 giáo viên thuộc diện hợp đồng, huyện Kỳ Anh hiện nay đang thiếu rất nhiều giáo viên. Mà đã thiếu giáo viên thì họ phải được ưu tiên ký hợp đồng . Còn việc họ có đươcc biên chế hay không thì phải cần nhớ đến cơ quan chức năng bồi dưỡng, đào tạo mở các khóa thi biên chế. Nếu họ rơi thì lại phải ký tiếp hợp đồng.
12 năm nay, cô Nga chỉ nhận một mức lương đóng khung và không được đóng BHXH, không được tham gia Bảo hiểm Y tế
Có nhiều câu hỏi dư luận đặt ra về những vấn nạn tiêu cực trong giáo dục, ông nghĩ sao qua sự việc này?
Với quan niệm và quy định của pháp luật như vậy thì quyết định mới đây của UBND huyện Kỳ Anh đặt bút ký quyết định chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên là điều rất vô lý, gây bức xúc dư luận và khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất là khi giáo dục thiếu và cần họ thì dùng đến, còn khi không cần nữa thì sẵn sàng lập tức chấm dứt để lấy người khác. Hoán đổi này, một dấu hỏi về mặt phương diện xã hội, liệu có vấn đề tiêu cực gì ở đây không. Đấy là câu hỏi rất lớn.
Nghề nào nghiệp đấy, đối với các giáo viên, với thời gian giảng dạy 5, 10 năm họ có rất nhiều kinh nghiệm. Đó không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn mà còn là kỹ năng sư phạm, giáo dục tâm lý trẻ rất tốt. Việc tuyển chọn những người mới, liệu có đủ khả năng, kinh nghiệm và hiệu quả giảng dạy như họ. Chắc chắn là rất khó. Với người mới, họ sẽ bắt đầu lại từ con số 0 và dĩ nhiên nền giáo dục Kỳ Anh cũng phải mất thời gian để tập huấn, đào tạo, rèn luyện họ.
Tôi lấy ví dụ như một cảnh sát khu vực, họ đã quen thuộc với địa bàn mà mình theo dõi hàng năm nay, nắm rõ hoàn cảnh, tình hình từng hộ dân. Việc đưa một cảnh sát mới về thay thế chắc chắn sẽ không làm tốt bằng người cũ. Ngành giáo viên cũng vậy, kinh nghiệm 5, 10 năm nghĩa là họ đã có thời gian để khắc phục những hạn chế, đã có những va vấp để đúc rút kinh nghiệm, đã có những cơ hội để phát hiện và phát huy được sở trường. Chắc chắn họ đã có những nền tảng vững chắc trong sự nghiệp giáo dục.
Là người theo sát sự việc của 185 giáo viên Sóc Sơn, ông đã chứng kiến những hệ lụy đáng tiếc nào của họ?
Xét về góc độ nhà nước và xã hội đã thấy có quá nhiều bất công, vô lý còn về phương diện gia đình thì lại càng có nhiều xót xa, éo le, Bản thân các cô giáo khi tốt nghiệp đại học, cầm được trên tay tờ giấy quyết định đi dạy, đó là giá trị của cả một con người, có thể từ việc làm giáo viên, họ mới đi đến được việc xây dựng gia đình, giữ gìn phảm giá, danh dự của mình. Việc sa thải họ mà không có đủ lý do vô tình đẩy họ vào bi kịch, thậm chí là bước đường cùng.
Mới đây, có một cô giáo ở Sóc Sơn, vì quá sốc trước tin mình bị cắt họp đồng dạy học đã tái phát bệnh tim và qua đời. Có những cô giáo cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng, vợ chồng lục đục dẫn đến ly hôn. Có những người, đang từ cô giáo lại trở nên thất nghiệp, suy nghĩ nhiều dẫn đến trầm cảm. Áp lực đối với họ là khủng khiếp. Người thông cảm thì chia sẻ, người đố kỵ không hiểu lại quay ra giễu cợt.
Đừng nghĩ chấm dứt hợp đồng lao động đối với một cô giáo đơn giản chỉ là tờ giấy trắng mực đen ai đó đặt bút ký là xong. Đằng sau đó là những hệ lụy khủng khiếp. Thử nhân những điều đó với con số 214 giáo viên thì tưởng tượng những hệ lụy đó càng đau lòng biết bao. Và còn một điều quan trọng nhất nữa, đó là niềm tin của giáo viên, học sinh đối với các cơ quan nhà nước và nền giáo dục Việt Nam đang bị đánh mất.
Xin cám ơn luật sư!
Đào Bích