Vì sao chúng ta cảm nhận khác nhau về cùng một vấn đề?
Nhận thức của chúng ta mang màu sắc chủ quan. Cùng một đối tượng hoặc tình hình, mỗi người trong chúng ta sẽ có những ấn tượng khác nhau. Câu hỏi đặt ra là cơ chế xử lý cảm nhận trong não bộ mỗi người có khác nhau hay không?
Khi nhận thức một cái gì đó, chúng ta thường lập tức đưa ra đánh giá về điều mà ta thấy, nghe, nếm, ngửi hay cảm nhận là tích cực hay tiêu cực. Nhận thức của chúng ta mang màu sắc chủ quan, và đó là một khía cạnh phổ biến của kinh nghiệm con người: chúng ta gần như không thể cảm nhận được bất cứ điều gì mà không tự động đánh giá nó là dễ chịu hay khó chịu.
Ngay cả khi quan sát cùng một đối tượng hoặc tình hình, mỗi người trong chúng ta sẽ có những ấn tượng độc đáo và mang đậm dấu ấn cá nhân. Câu hỏi đặt ra là cơ chế xử lý cảm nhận trong não bộ mỗi người có khác nhau hay không? So sánh với các khía cạnh khác của nhận thức, cảm giác cá nhân là lĩnh vực chưa được tìm hiểu kỹ càng.
Theo tờ Independent của Anh, Adam Anderson, giáo sư tại Đại học Cornell, đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu tập trung vào cách não người biểu thị các đánh giá chủ quan về thế giới bên ngoài. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù cách cảm nhận của từng người có khác nhau thế nào, não bộ xử lý loại phản ứng cảm xúc thông qua các giác quan vật lý khác nhau bằng một cách thông thường, chung cho tất cả mọi người. “Cơ chế cảm nhận của mọi người là như nhau, đều thông qua một mã tiêu chuẩn được não bộ sử dụng", Anderson cho biết.
Não bộ con người sử dụng một mã nhất định để thể hiện cảm xúc.
Cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto và Đại học Cambridge, Anderson phát hiện ra rằng cảm giác chủ quan của một cá nhân được đại diện bởi những mô hình hoạt động thần kinh có dạng hạt mịn trong vùng vỏ não trán ổ mắt, một khu vực của não liên quan đến xử lý tình cảm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Nếu hai người cùng có niềm vui tương tự khi nhấm nháp một ly rượu vang ngon hoặc xem mặt trời lặn, thì đó là bởi vì họ chia sẻ mô hình hạt mịn tương tự nhau trong khu vực vỏ não trán ổ mắt này.
Phát hiện của Anderson cho thấy bộ não con người tạo ra một mã cho toàn bộ các cảm xúc khác nhau, từ dễ chịu đến khó chịu, có thể tạm gọi là “máy đo giá trị thần kinh”. Khi cảm xúc là tích cực, nhóm tế bào thần kinh nhất định được mã này tác động sẽ cùng nghiêng về một hướng, và khi cảm giác khó chịu phát sinh, các tế bào thần kinh sẽ nghiêng theo hướng ngược lại. Như vậy, nghiên cứu đã bác bỏ thuyết phổ biến cho rằng cảm giác dễ chịu hay khó chịu tương ứng với hoạt động ở các bộ phận khác nhau của não bộ.
Theo Anderson, cảm xúc cá nhân của con người là biên giới cuối cùng của khoa học thần kinh. Để có thể “dấn thân” vào lĩnh vực còn tương đối mới lạ và còn nhiều bí ẩn này, ông đã yêu cầu những người tham gia nghiên cứu của mình đánh giá một loạt các hình ảnh và mùi vị ảnh phức tạp, đồng thời quan sát các mô hình hoạt động phát sinh trong bộ não của họ.
Cùng với việc xác định các mã cảm xúc độc lập trong vùng vỏ não trán ổ mắt, các nhà nghiên cứu tìm ra các khu vực cảm xúc riêng biệt mang lại bởi các giác quan thị giác và vị giác. Nghiên cứu chỉ ra: mô hình hoạt động phức hợp này đã chứng minh phản ứng cảm xúc chủ quan là một khía cạnh không thể tách rời của nhận thức con người.
Lam Lan