Về xã “trường thọ” xem cụ ông 94 tuổi vác luồng đan rổ, xây nhà
“Tôi năm nay đã 94 tuổi rồi, nhưng vẫn đi bộ gần 4km để mua luồng, rồi tự vác về nhà dùng để đan rổ bán cho người dân trong xã”, ông Đàm nói.
Cụ Nguyễn Văn Đàm (94 tuổi) hàng ngày vẫn đan rổ để có thêm thu nhập cho gia đình (Ảnh: Xuân Hải)
Dáng người thấp nhỏ, mái tóc bạc trắng, nhưng đôi tay đầy gân guốc của cụ ông vẫn thoăn thoắt luồn những sợi nan luồng cuối cùng vào chiếc cạp rổ rồi thắt chặt lại, tuy nhiên để rổ chắc chắn hơn, ông cụ vẫn cẩn thận buộc lại một vòng dây sắt trên miệng chiếc rổ vừa đan xong. “Xong rồi”, ông cụ cười nói, rồi đặt vội chiếc rổ vào một góc bếp. Đó là cụ ông Nguyễn Văn Đàm (94 tuổi), ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Cụ Đàm cho biết: "Tôi năm nay đã 94 tuổi rồi, nhưng vẫn đan rổ để kiếm thêm thu nhập đỡ đần con cái. Để có nan đan rổ, tôi phải đi bộ khoảng 4 km để mua tre hoặc luồng rồi tự vác về chẻ nan đan rổ. Chục năm trước khi tôi có sức khỏe thì còn đan được thuyền nan, nhưng bây giờ chỉ đan được rổ và vác luồng thôi”.
Trong khi cụ ông đan rổ thì cụ Nguyễn Thị May (95 tuổi, vợ cụ Đàm) tay cầm dao ra tỉa lá cho hai cây đu đủ đang trĩu quả trồng ở một góc vườn.
Hồ nước yên bình dưới chân đê Yên Lệnh (Ảnh: Xuân Hải)
Cụ Đàm cho hay: “Hiện nay hai vợ chồng tôi vẫn lao động và tự làm những việc riêng không phải làm phiền con cái”.
Trường hợp những cụ ông hơn 90 tuổi vẫn lao động bình thường không phải là chuyện hiếm ở xã Chuyên Ngoại.
Ông Lương Văn Chiêu, Hội Nông dân xã Chuyên Ngoại cho biết: Ở xóm Điện Biên có vợ chồng cụ Đắc, hơn 80 tuổi, nhưng vẫn một mình đeo bình đi phun thuốc trừ sâu rất bình thường, khiến nhiều người phải thán phục. Bởi vì bình phun thuốc trừ sâu nặng khoảng hơn 20kg, nhưng mùi thuốc rất độc nếu phun phải là người có sức khỏe mới làm được.
Ông Chiêu kể, ở thôn Lỗ Hà còn có cụ Phát năm nay hơn 90 tuổi, nhưng vẫn đi làm thợ xây.
“Một hôm, cụ Phát đi xây quán bán hàng cho gia đình ở xóm Điện Biên, hai vợ chồng chị chủ nhà khoảng gần 50 tuổi cùng phụ giúp ông cát xi, vữa để ông Phát xây tường, nhưng cả hai vợ chồng không kịp chuyển vữa, gạch để ông Phát xây, khiến ông này tức quá rồi mắng vợ chồng chủ nhà một trận”, ông Chiêu kể.
Nói đến Chuyên Ngoại thì cả tỉnh Hà Nam đều biết, vì xã này nổi tiếng và được người dân trong huyện, tỉnh gọi là xã “Trường Thọ” vì số người cao tuổi trên 80 tuổi lên đến gần 600 người.
Dưới con đê Yên Lệnh ven con sông Hồng đỏ nặng phù sa là rặng tre trải dài bên cạnh đầm sen thơm ngát bên cánh đồng lúa trĩu hạt đã tạo cho Chuyên Ngoại hiện ra một bức tranh yên bình, thanh tĩnh.
Ông Phạm Văn Đình, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Chuyên Ngoại (Ảnh: Xuân Hải)
Theo ông Phạm Văn Đình (73 tuổi), Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chuyên Ngoại, hiện xã có 1.421 hội viên, số hội viên trên 80 tuổi là 577 cụ, có 4 hội viên trên 100 tuổi.
“Bí quyết để các cụ sống trường thọ là do Chuyên Ngoại là xã ở ven sông Hồng, có không gian thoáng đãng, mát mẻ, môi trường trong lành. Do luôn có phù sa bồi đắp nên hiệu quả về nông nghiệp cao, kinh tế và đời sống của người dân nơi đây luôn giữ ở mức ổn định. Đặc biệt, từ năm 1995 đến nay, các cụ cao tuổi trong xã đã thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao do Hội Người cao tuổi của xã khởi xướng tổ chức”, ông Đình cho biết.
Cũng theo ông Đình, Hội Người cao tuổi đã có nghị quyết tất cả các cụ là hội viên phải bắt buộc tham gia một môn thể thao, cụ nào không chơi bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, dưỡng sinh thì bắt buộc phải tham gia vào đội đi bộ.
“Thể thao đã giúp các cụ gắn kết với nhau hơn, xóa bỏ mọi mâu thuẫn để bảo ban con cháu chăm chỉ làm ăn. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức đám cưới vàng cho 11 vợ chồng hội viên có thời gian chung sống trên 60 năm, vui vẻ, hạnh phúc, lao động tốt khiến rất nhiều gia đình trong xã phấn đấu để được đón nhận đám cưới vàng ”, ông Đình nói.
Xuân Hải