Ung thư vú ngày càng tăng nhanh và trẻ hóa
Ung thư vú là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam. Độ tuổi mắc bệnh ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa.
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của các Trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).
Ung thư vú ngày càng trẻ hóa (Ảnh minh họa)
Độ tuổi mắc ung thư vú ở phụ nữ ngày càng trẻ hóa
Ung thư vú là ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Ung thư vú là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ trên thế giới. Tỷ lệ mắc ung thư vú khác nhau giữa các quốc gia, với tỷ lệ mắc cao nhất ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ và thấp nhất ở Châu Phi và Châu Á. Chỉ riêng ung thư vú đã chiếm 25% tổng số ca ung thư và 15% số ca tử vong do ung thư ở phụ nữ. Tỷ lệ mắc bệnh tăng lên tới 5% mỗi năm. Các quốc gia ở châu Á, chiếm 59% dân số trên thế giới, là châu lục có tỷ lệ mắc ung thư vú cao nhất, với 44% tử vong.
Ảnh minh họa
Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây trong tạp chí phẫu thuật ung thư, những bệnh nhân dưới 40 tuổi bị ung thư vú có xu hướng mắc bệnh ở giai đoạn tiến xa hơn và nguy hiểm hơn. Tỷ lệ có HER2 dương tính hay ung thư vú bộ ba âm tính (TNBC) gặp nhiều hơn ở nhóm người bệnh này và cũng cần điều trị mạnh hơn.
Thực ra những người trẻ tuổi hiếm khi mắc phải ung thư vú, tỷ lệ này là 1,8% các bệnh nhân từ 20 đến 34 tuổi và 8,7% từ 35 đến 44 tuổi. Bệnh nhân vị thành niên và thanh niên – lứa tuổi từ 15 đến 39 tuổi, tương đối thấp. Mặc dù vậy ung thư vú vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trong nhóm độ tuổi này.
Những đặc trưng bệnh ung thư vú ở phụ nữ trẻ
Theo một báo cáo trên Tạp chí Updates in Surgery, bệnh ung thư vú ở phụ nữ trẻ có những đặc điểm khác biệt so với bệnh ung thư vú ở phụ nữ cao tuổi. Những điểm khác biệt này bao gồm:
- Có độ ác tính cao hơn, tốc độ phát triển và xâm lấn nhanh hơn.
- Thường được chẩn đoán muộn hơn.
- Có khả năng cao là ung thư vú bộ ba âm tính hay ung thư vú HER-2 dương tính.
- Tỷ lệ tái phát bệnh sau khi điều trị cao hơn.
Ung thư vú bộ ba âm tính là một dạng ung thư vú rất hiếm gặp, có đặc trưng là sự thiếu hụt các thụ thể estrogen, progesterol và thụ thể HER2. Do vậy, việc điều trị nó thực sự rất khó khăn bởi các phương pháp điều trị mà bác sĩ có thể sử dụng bị hạn chế rất nghiêm trọng. Nhưng điều may mắn là dạng ung thư vú này lại có đáp ứng tốt với điều trị bằng hóa trị và xạ trị.
Ảnh minh họa
Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú
- Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, đau kéo dài.
- Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở nên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.
- Chảy dịch, máu ở đầu vú: Đầu vú tư nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.
- Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.
Người bệnh ung thư vú ở người trẻ trẻ dễ tử vong hơn
Theo Hội Ung thư Việt Nam, xu hướng mắc bệnh ung thư vú không những tăng ở Việt Nam mà ở hầu hết trên thế giới. Mỗi năm, toàn cầu có khoảng 14,1 triệu người mắc bệnh ung thư và 8,2 triệu người tử vong vì căn bệnh này.
Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 12.000 ca mắc với hơn 4.000 người tử vong, chiếm 20% trong tổng số các loại bệnh ung thư. Phần lớn người bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám, chữa bệnh ở giai đoạn muộn và rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, ngay cả với bệnh nhân có BHYT.
Ung thư vú hiện đang đứng ở hàng thứ nhất về suất độ và đứng thứ ba về tử vong. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm (giai đoạn 1), khả năng điều trị khỏi có thể đạt tới 80%-90%. Nếu phát hiện trễ, tỉ lệ điều trị khỏi là rất thấp (dưới 20%).
Giới chuyên môn cho biết tỉ lệ sống còn của bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi thấp hơn so với bệnh nhân ung thư vú lớn tuổi ở bất kỳ giai đoạn nào. Tỉ lệ sống còn 5 năm là 58% ở tuổi 20 đến 24, bệnh nhân trên 40 tuổi là 76%; ở giai đoạn di căn, tỉ lệ sống còn của phụ nữ trẻ gần như bằng 0% trong khi phụ nữ trên 40 tuổi là 27%.
Dẫn ra những tác nhân gây bệnh, PGS Paul Mainwaring, chuyên gia ung thư đến từ Úc, cho rằng ở xã hội công nghiệp phát triển, lối sống thay đổi, ít vận động… khiến con người đứng trước nguy cơ mắc nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư. “Phụ nữ cần tập thói quen vận động, ăn uống hợp lý, nếu phát hiện bệnh sớm thì việc điều trị sẽ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, do ít hiểu biết về bệnh, người bệnh thường đến bệnh viện quá muộn nên hiệu quả điều trị hạn chế” - ông lưu ý.
-> Bị ung thư có nên uống sữa đậu nành không?