Túi khí - phát minh làm thay đổi nền công nghiệp xe hơi
Túi khí là một trong những phát minh vĩ đại của loài người, làm thay đổi nền công nghiệp xe hơi. Cùng tìm hiểu về phát minh đặc biệt này nhé!
Lịch sử phát minh túi khí ô tô
Túi khí - phát minh làm thay đổi nền công nghiệp xe hơi
Túi khí trên ôtô được sinh ra để giảm thiểu và hạn chế những chấn thương nghiêm trọng khi có va chạm xảy ra. Về cơ bản, túi khí sẽ được thổi phồng lên trong thời gian cực ngắn ( phần nghìn giây ) khi xảy ra tai nạn nhằm ngăn người lái và hành khách va đập trực diện với những vật thể khác trong xe.
Chiếc xe đầu tiên được trang bị túi khí là mẫu Oldsmobile Toronado 1973, lúc đó, túi khí được liệt vào danh sách tùy chọn với giá 250 đô. Trên thực tế, hệ thống túi khí khi ấy hoạt động không thực sự tốt, dẫn đến việc chỉ có khoảng 1.000 bộ được bán ra.
Mãi đến 1981, túi khí “hiện đại” mới lần đầu được xuất hiện trên chiếc Mercedes-Benz S-Class. Kể từ đó, túi khí không ngừng phát triển. Năm 1994, Volvo cho ra mắt túi khí hông và rèm cửa trên chiếc Volvo 850, 2 năm sau đó, hãng ra mắt túi khí cho đầu gối. Năm 2009, Ford giới thiệu túi khí tích hợp trên dây an toàn. Volvo V40 ra mắt 2011 là mẫu xe đầu tiên giới thiệu túi khí dành cho người đi bộ. Trong trường hợp xảy ra va chạm, chiếc xe sẽ làm phồng nắp máy phía trước, triển khai một luồng khí để giảm lực tác động.
Chất liệu tạo nên túi khí cho xe hơi là loại vải co giãn hoặc một vật liệu đảm bảo được khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi cần thiết. Trong tình huống xảy ra va chạm, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức với thời gian chỉ tính bằng mili giây, bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể người trên xe.
Cơ chế hoạt động của túi khí ô tô
Sau khi va chạm xảy ra, dây an toàn giúp hãm dần vận tốc theo quán tính của người ngồi trong xe và do đó giảm lực tác động lên người họ. Túi khí SRS đồng thời giúp hạn chế khả năng va đập của vùng đầu với các vật thể khác trong xe và hấp thụ một phần lực ảnh hưởng tới người lái và hành khách.
Hệ thống này trải qua 3 giai đoạn chính kể từ khi xe gặp va chạm cho đến khi túi khí bung. Đầu tiên, hệ thống điều khiển chính (ACU) điều khiển các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,... để nhận biết mức độ ảnh hưởng. Khi con số này vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi mới đánh lửa.
Tiếp theo, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A trong vòng dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn. Cuối cùng, túi khí được bơm căng để giảm tác động lực người ngồi trên xe và ngay lập tức khí đó thoát ra ở các lỗ xả phía sau.
Không phải túi khí nào cũng sẽ bung khi ôtô xảy ra va chạm mà trong mỗi trường hợp nhất định, loại phù hợp mới được kích hoạt. Với mỗi loại túi khí bố trí ở các vị trí khác nhau lại có một quy chuẩn hoạt động riêng để đảm bảo cho người trên xe luôn ở trong điều kiện an toàn nhất.
-> Dịch vụ sơn lại màu xe ô tô ngày cận Tết đắt khách, giá nhảy vọt
Xem thêm: Ngắm siêu xe Lamborghini bằng gỗ của thợ độ Việt