Từ chuyện xưa ngẫm chữ Hiếu thời hiện đại
Ngày nay, khi mạng xã hội và nhiều thứ khác cuốn mỗi người đi với công việc, chữ hiếu, đạo hiếu dường như đã nguội dần trong huyết quản mỗi người.
Người con hiếu thuận thay đổi vận mệnh kiếp này
Ngô Nhị là một người nông dân nghèo tại huyện Lâm Xuyên. Anh luôn cố gắng phụng dưỡng mẹ già và làm cho bà hạnh phúc bằng cả trái tim mình. Một tối nọ, anh ngủ mơ thấy Thần thành hoàng trong làng tới nói với mình: “Giữa trưa mai, con sẽ bị sét đánh chết”.
Ngô Nhị nói: “Mẹ con tuổi cao cần có con chăm sóc, có thể miễn cho con tội này được không?”.
“Vận mệnh là tất yếu, đó là ý trời” – Thần nói.
Ngô Nhị e rằng việc này sẽ làm mẹ sợ hãi nên sáng sớm khi chuẩn bị bữa sáng nói với bà: “Mẹ à, con trai có việc phải đi ra ngoại tỉnh một chuyến, hay mẹ tạm thời tới nhà em gái con nhé”. Tuy nhiên mẹ cậu không đồng ý.
Chẳng mấy chốc, bầu trời tối sầm, mây đen che kín, sấm chớp vang trời. Ngô Nhị thấy vậy càng sợ mẹ bị giật mình, sợ hãi và vạ lây nên vội vàng đóng hết các cửa sau đó lặng lẽ đi ra ngoài đồng chờ đợi bị trừng phạt. Không lâu sau, mây đen trên trời dần tan biến, những việc anh cứ ngỡ sẽ xảy ra lại không xảy ra.
Người xưa dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”
Ngô Nhị vội vàng trở về nhà chăm sóc mẹ, vẫn lo lắng nguy hiểm chưa qua, cũng không dám nói cho mẹ biết sự việc. Đêm đó, Ngô Nhị mơ thấy Thần nói với mình: “Lòng hiếu thảo của con đã chạm đến thiên đình, Thiên thượng miễn xá cho tội nghiệp kiếp trước của con. Hãy cố gắng phụng dưỡng chăm sóc mẹ hơn nữa”. Từ đó, Ngô Nhị càng hiếu thuận, hiếu kính với mẹ hơn.
Con dâu hiếu thuận hóa giải nghiệp báo từ kiếp trước
Du Thị là vợ của Chi Tổ Nghi tại Thê Ấp Tứ Xuyên. Cô vô cùng hiếu thuận với cha mẹ chồng, ăn ở cư xử vô cùng biết điều mặc dù mẹ chồng là người khó tính. Du Thị vẫn luôn một mực hầu hạ cung kính, chưa bao giờ oán trách nửa lời.
Một tối nọ, Du Thị có một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ, cô thấy một vị Thần mặc quần áo đỏ, mũ màu đen, trang nghiêm xuất hiện và nói với mình: “Kiếp trước cô vốn là vợ của Mâu Dung. Năm 30 tuổi bị mắc bệnh, nằm liệt giường hơn một năm. Mẹ chồng cô khi đó hơn 70 tuổi, phải chăm sóc nấu cháo cho cô ăn. Vì mồm miệng đắng ngắt mệt mỏi nuốt không trôi nên năm lần bảy lượt chửi mắng mẹ chồng. Tới khi trước lúc qua đời, còn tuyệt vọng than vãn oán hận ông trời: “Bảy mươi tuổi lại không chết, con mới hơn ba mươi tuổi đã muốn con chết. Ông trời ơi người thật không công bằng”.
Quan cai quản số mệnh có hỏi Thiên đế và Người hạ lệnh kiếp sau sẽ thiêu hủy thi thể của cô: “Bây giờ đã đến lúc kết thúc túc nghiệp này, để cô bị chết dưới búa rìu của thiên lôi, không lâu nữa sẽ thực hiện việc này. Vì kiếp này cô vô cùng hiếu thuận với mẹ chồng, nên ta tới để thông báo cho biết trước”.
Du Thị giật mình tỉnh giấc. Sáng sớm hôm sau, cô tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo rồi tới bái kiến mẹ chồng và nói: “Con về làm dâu đã được ba năm, trong thời gian đó luôn cung kính phụng dưỡng hiếu thuận với mẹ không làm gì sai sót để mẹ phiền lòng. Hôm nay con muốn xin mẹ tạm thời cho con về nhà mẹ đẻ, e rằng nếu gặp phải điều bất trắc mà qua đời, hy vọng mẹ tha lỗi và đừng quá đau lòng”. Mẹ chồng cô nghe thấy những lời không bình thường này của con dâu thì vô cùng ngạc nhiên và khó hiểu.
Du Thị trở về quê hương để từ biệt cha mẹ đẻ và kể cho họ nghe mọi chuyện về ước mơ của mình. Sau đó, mang một nén nhang ngẩng mặt lên trời và khẩn cầu: “Con là kẻ đáng chết. Đây là tội nghiệp món nợ mà con tạo ra từ kiếp trước, con xin chịu tội. Tuy nhiên, nghĩ tới cảnh mẹ chồng già yếu, chồng thì nghèo khó phải đi làm ăn xa, giờ không biết lấy ai để chăm sóc mẹ? Từ nhỏ cha mẹ đã dạy con luôn nhớ phải làm người tốt. Nay con bị Trời phạt như vậy sẽ khiến cha mẹ bị sỉ nhục.
Bây giờ con đang mang bầu bảy tháng, nếu là con trai thì dòng họ Chi đã có người nối dõi tông đường. Hai sự việc đầu tiên là điều không thể tránh, duy chỉ có việc dòng họ Chi không có người nối dõi làm con thấy vô cùng áy náy. Con cầu xin trời Phật hãy cho con thời gian thêm ba tháng đợi con sinh nở xong hãy trừng phạt con”.
Khi đó, giữa ban ngày, bầu trời mây đen bao phủ, gió thổi sấm sét, thế giới tối tăm. May mắn gặp Văn Xương Đế Quân xem xét biết rõ về Du Thị nên thỉnh cầu Ngọc Đế thay đổi đòi mạng vợ của Trương Thực là Mã Thị vô cùng độc ác thay cho Du Thị. Mã Thị là người hung hãn, đa dâm, phản bội làm trái luân lý đạo đức, bất kính vô lễ với mẹ chồng nên bị Thiên lôi đánh chết, Du Thị được miễn tội và bình an.
Người xưa dạy: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trăm điều thiện thì chữ hiếu đứng đầu. Ngàn năm qua, phàm những người hiếu kính với cha mẹ đều được xã hội tán dương.
Chữ "hiếu" thời hiện đại
Thời hiện đại, khi mạng xã hội và nhiều thứ khác cuốn mỗi người đi với công việc, chữ hiếu, đạo hiếu dường như đã nguội dần trong huyết quản mỗi người. Cuộc sống vẫn tồn tại những chuyện buồn trong mùa báo hiếu, như chuyện các con cãi nhau khi vào viện chăm mẹ, chuyện con cái bạo hành hay bỏ mặc cha mẹ.
Ảnh minh họa.
Không chỉ thế, cứ đến mùa Vu Lan là mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh, status báo hiếu, tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Tuy nhiên, đằng sau hàng ngàn lượt like và chia sẻ trên mạng ảo ấy là một góc nhìn khác về đạo hiếu đáng suy ngẫm. Công nghệ số ảo dường như đang giúp cho con người ta báo hiếu với cha mẹ, người thân dễ dàng hơn. Một bộ phận con cái thay vì trực tiếp về nhà thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ ngoài đời thực thì lại chỉ biết báo hiếu trên mạng.
Sự hiếu thuận cần được thể hiện thật sự mỗi ngày chứ không phải qua những hình ảnh, lời nói câu like, ca tụng trên mạng ảo.
Muốn hóa giải nghiệp báo hãy biết nghĩ cho người khác. Giúp người xa không bằng giúp người gần, đem thiện tâm đặt lên cha mẹ và những người xung quanh mình trước tiên.
-> Đội mưa thả hoa đăng mùa Vu Lan, trọn hiếu nghĩa người làm con