TS. Vũ Tiến Lộc - người luôn đau đáu với hai tiếng “doanh nhân”
Giới doanh nhân Việt Nam bày tỏ sự thương tiếc đối với sự ra đi đột ngột của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI. Ông Lộc có 18 năm đứng đầu tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người có nhiều quan điểm đổi mới, cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam.
Nguyên chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc qua đời sáng 5/8 ở tuổi 64. Ông Lộc sinh năm 1960 tại Thái Thụy, Thái Bình, có trình độ tiến sỹ kinh tế. Trong 5 khóa liên tiếp là đại biểu Quốc hội và 18 năm giữ cương vị chủ tịch VCCI, ông có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh, giúp cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự xúc động khi nghe tin TS Vũ Tiến Lộc qua đời. Ông Đệ cho biết, trong 4 khóa liên tiếp làm chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hóa và 2 khóa làm chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông có nhiều kỷ niệm sâu sắc với TS Lộc cả trên phương diện công việc lẫn tình cảm.
“18 năm làm Chủ tịch VCCI, có thể nói, dấu ấn cá nhân của anh Lộc với cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân là rất lớn, rất rõ nét. Sự ra đi đột ngột của anh để lại trong chúng tôi một niềm tiếc thương sâu sắc, một khoảng trống lớn. Vừa là chuyên gia kinh tế, vừa là chính trị gia, TS Vũ Tiến Lộc là người truyền cảm hứng kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời là người song hành, bảo vệ, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân với mong muốn hướng đến một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập, miệt mài cống hiến, phụng sự tổ quốc”, ông Đệ xúc động nói.
Năm 2004, TS. Vũ Tiến Lộc là người đã đề xuất Thủ tướng Phan Văn Khải chọn ngày 13/10, ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương là ngày doanh nhân Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ, đây là việc làm có ý nghĩa lớn hơn một ngày kỷ niệm, một ngày truyền thống. Bởi nó góp phần khẳng định vai trò, vị thế của doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sau gần 20 năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới.
Tại nhiều diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc trên cương vị người đứng đầu VCCI đã có nhiều nỗ lực phản biện, đề xuất để hai tiếng “doanh nhân” được xã hội thừa nhận như một lực lượng xã hội tiến bộ, có đóng góp lớn cho công cuộc xây dựng đất nước.
“Tôi rất thích câu khẩu hiệu mà anh Lộc đề xuất và sau đó được cộng đồng doanh nghiệp rất yêu thích, đó là “Doanh nhân – người lính thời bình”. Tinh thần người lính, không quản ngại khó khăn gian khổ, quyết tâm vươn lên trong thời bình để làm giàu cho quê hương, đất nước. Sau này, chính anh Lộc còn sử dụng biểu tượng Thánh Gióng để làm cúp doanh nhân tiểu biểu, thể hiện khát vọng bay lên, vươn xa của doanh nghiệp, doanh nhân Việt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, anh là người tiên phong trong việc đề xuất đưa 2 chữ “doanh nhân” vào Hiến pháp năm 2013. Có thể nói với việc hiến định 2 chữ “doanh nhân” trong hiến pháp cho thấy, doanh nhân hôm nay đã được khẳng định ở một vị thế quan trọng như là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế”, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Nguyễn Văn Đệ đánh giá.
Trên cương vị Chủ tịch VCCI, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, TS Vũ Tiến Lộc rất quan tâm đến đội ngũ doanh nhân khu vực tư nhân. Ông Lộc từng chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn nhằm tháo gỡ các rào cản, các điểm nghẽn về cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Một trong những dấu ấn của TS Vũ Tiến Lộc đối với việc xây dựng đội ngũ doanh nhân, theo ông Đệ đó là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, khát vọng hội nhập cho những “người lính thời bình”.
TS Vũ Tiến Lộc không chỉ là chuyên gia nghiên cứu sâu về thể chế kinh tế, ông còn là người dành nhiều thời gian, tâm sức để tìm hiểu lịch sử kinh doanh, đặc biệt là những đóng góp của tầng lớp tư sản dân tộc.
“Anh Lộc đã nhiều lần phản bác lại quan điểm xem doanh nhân là con buôn, con phe, phá bỏ những định kiến về giới doanh nhân, trả lại vị thế xứng đáng cho đội ngũ doanh nhân trong công cuộc kiến thiết đất nước.
Có thể nói, anh Lộc trong 18 năm làm chủ tịch VCCI xứng đáng là thuyền trưởng của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Dù nhiều ý tưởng, dự định, đề án của anh và VCCI chưa thể thực hiện do những nguyên nhân khác nhau nhưng trên cương vị cá nhân một chuyên gia kinh tế, một đại biểu quốc hội, một người đứng đầu VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đã làm được rất nhiều điều có ích, góp phần xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân, xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển”, ông Đệ nói.