Truyền ối cứu sống thai nhi từ trong bụng mẹ
Tình trạng thiểu ối khiến thai nhi bị bó chặt trong tử cung, hạn chế vận động, một số trường hợp có thể dẫn đến tuần hoàn của em bé đảo ngược, thai bị suy tim,...
Truyền ối cứu thai nhi
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa thực hiện thành công ca truyền ối cho thai phụ Nguyễn Thị H. (31 tuổi, đến từ Nam Định). Chị H. mang thai ở tuần thứ 25, thai nhi có tim 4 buồng không cân đối, thiểu ối nghiêm trọng với chỉ số nước ối chỉ 24mm.
Tình trạng thiểu ối khiến thai nhi bị bó chặt trong tử cung, hạn chế vận động, một số trường hợp có thể dẫn đến tuần hoàn của em bé đảo ngược, thai bị suy tim,...
Nhận định được tình hình nguy cấp, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm của Trung tâm Can thiệp Bào thai gồm TS. BS Phan Thị Huyền Thương - Phó giám đốc Trung tâm, BSCKII Ngô Thị Hương cùng ekip đã tiến hành kỹ thuật truyền ối.
Thủ thuật này nhằm mục đích tăng lượng nước ối, tạo môi trường thuận lợi cho thai nhi phát triển, giảm nguy cơ biến chứng và tăng khả năng sống sót. Khi truyền ối, người mẹ hoàn toàn có thể theo dõi trực tiếp các cử động của con thông qua máy siêu âm. Khi vấn đề ít nước ối được giải quyết, thai nhi có thể cử động, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa hoạt động trở lại.
Ca truyền ối diễn ra thành công tốt đẹp, mang đến nhiều hy vọng cho gia đình thai phụ. Đây là một trong rất nhiều ca truyền ối mà Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã thực hiện thành công, cứu sống nhiều em bé bị thiểu ối.
Thiểu ối ảnh hưởng như thế nào tới thai nhi?
Theo các bác sĩ, nếu trong thai kỳ, mẹ bầu cảm thấy bụng nhỏ không tăng chu vi, bụng gò cứng nhiều, thai đạp ít,... thì bạn cần đi siêu âm ngay lập tức để kiểm tra. Rất có thể, thai nhi của bạn đang bị thiểu ối - hiện tượng bệnh lý xảy ra với 4-5% phụ nữ mang thai.
Đầu tiên, chúng ta tìm hiểu thể tích nước ối bình thường ở từng giai đoạn thai kỳ:
- Khi thai được 10 tuần: khoảng 30ml.
- Khi thai được 34-36 tuần: khoảng 1000ml.
- Khi thai được 40 tuần: giảm còn 800ml.
Thiểu ối là tình trạng nước ối ít hơn bình thường theo tuổi thai.
- Khi xảy ra hiện tượng thiểu ối, thai nhi sẽ đối mặt với nguy cơ: thiểu sản phổi, thai chậm phát triển, biến dạng mặt, chân, tay, ngôi thai bất thường và nặng nề nhất là thai lưu.
- Nguyên nhân thiểu ối có thể xuất phát từ người mẹ bị rỉ ối, vỡ ối hoặc bệnh lý; cũng có thể xuất phát từ chính thai nhi như có bất thường về thận, giảm sản xuất nước ối. Tuy nhiên, 30% trường hợp thiểu ối không xác định được rõ nguyên nhân.
Trước kia, khi gặp tình trạng thiếu ối, mẹ bầu được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc truyền dịch vào tĩnh mạch. Những biện pháp này hiệu quả thường không cao và chỉ kéo dài vài ngày. Thực tế, đã có những gia đình phải chấp nhận mất em bé, điều này gây ảnh hưởng tâm lý tới cả gia đình.
Truyền ối chính là một kỹ thuật can thiệp bào thai, đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai, giúp nước ối trở về trạng thái sinh lý bình thường.
Các bà mẹ đang ở trong tình trạng bụng cứng căng do ít ối thì truyền ối vào bụng sẽ mềm hơn. Các mẹ có thể nhìn thấy em bé uống từng ngụm nước nhỏ, trong bàng quang em bé có nước tiểu, dạ dày được uống căng, hệ tiêu hóa bắt đầu hoạt động lại.
Kỹ thuật này góp phần giữ em bé đến lúc có thể nuôi được ở bên ngoài. Hiện tại, tỷ lệ thành công của việc sử dụng kỹ thuật này để kéo dài tuổi thai lên đến 87%, các chỉ số sơ sinh của các bé được sử dụng kỹ thuật này đều bình thường.