Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh: Đơn vị đầu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho ngành đường sắt tốc độ cao
Với việc thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao, UTH là đơn vị đầu tiên của Bộ GTVT và là nơi tiên phong trong cả nước đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã khẳng định, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là trục "xương sống".
Ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về chủ trương đầu tư dự án, trong đó xác định: đường sắt tốc độ cao là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết; đồng ý cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để huy động nguồn lực hợp pháp triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện.
Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam 350km/h để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 xem xét, quyết định.
Đặc biệt, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam cũng được đưa ra nghị trường trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV để xem xét thông qua.
Theo định hướng xây dựng phát triển nhân lực ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ GTVT, sẽ chú trọng đào tạo nhân lực đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, nhân lực kết cấu hạ tầng giao thông. Riêng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến sử dụng nhân lực phục vụ cho công tác xây dựng khoảng 180.000 người, phục vụ vận hành và khai thác khoảng 13.880 người, nhân lực làm việc trong các cơ quan quản lý khoảng 700 người và khoảng 1.200 kỹ sư tư vấn. Vì vậy, dự án đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với 4 cấp trình độ (công nhân kỹ thuật, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) và 5 chủ thể (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý dự án, đơn vị vận hành khai thác, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu).
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như các chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 12/10/2024, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh (UTH) đã công bố thành lập Viện Đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC), với nhiệm vụ đào tạo bốn lĩnh vực chính gồm: Kỹ thuật xây dựng đường sắt tốc độ cao; cơ khí đường sắt tốc độ cao; kỹ thuật điều khiển tự động và thông tin tín hiệu đường sắt tốc độ cao; khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, việc ra đời của Viện ĐSTĐC ở thời điểm này mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng về vai trò của UTH đối với sự phát triển của hạ tầng giao thông Việt Nam. Đây không chỉ là một bước đi tất yếu nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển hệ thống giao thông tiên tiến, mà còn là một dấu mốc lịch sử trong việc nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu của UTH.
Để triển khai dự án này, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực rất quan trọng, từ đầu tư, thi công đến vận hành, công việc này cần nhiều thời gian. Bởi vậy, việc tập trung đào tạo từ sớm sẽ nâng cao tính chủ động, nhanh chóng đào tạo đội ngũ nhân lực quản trị, vận hành, áp dụng công nghệ hiện đại, số hóa được toàn bộ hệ thống. Ngay từ năm 2008, nhà trường đã bắt đầu đào tạo ngành đường sắt Metro. Trong những năm qua, lãnh đạo nhà trường đã trực tiếp và cử nhiều đoàn công tác sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Châu Âu để tìm hiểu về đường sắt tốc độ cao. Và đây chính là thời điểm chín muồi nhất để nhà trường bắt đầu đào tạo về đường sắt tốc độ cao
Được biết, UTH là trường đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo và tiếp cận công nghệ đường sắt tốc độ cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các đơn vị đào tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT. Với nền tảng và kinh nghiệm đào tạo các ngành trong lĩnh vực, cũng như nhận được sự định hướng, cập nhật những xu hướng và công nghệ hiện đại nhất trong việc phát triển GTVT, UTH sẽ tiếp tục cải tiến và xây dựng chương trình đào tạo, tăng cường tổ chức các hội thảo khoa học, đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ giữa các đơn vị.
Để tận dụng tối ưu các lợi thế sẵn có, UTH sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia tiên tiến và tiếp thu những bài học thực tiễn từ các dự án tương tự, cùng với việc tạo ra các chương trình đào tạo chuyên sâu kết hợp với thực tiễn doanh nghiệp, sẽ giúp sinh viên và giảng viên nắm vững kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết. Sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng sẽ tạo cơ hội trải nghiệm thực tế, qua đó hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả vào hệ thống giao thông hiện đại của Việt Nam.
Tốc độ 350km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc-Nam của nước ta.
Theo kinh nghiệm thế giới, các tuyến đường sắt tốc độ cao là trục chính, chiều dài lớn đều lựa chọn tốc độ 350km/h trở lên vì tính hiệu quả và có khả năng thu hút lượng hành khách cao hơn so với các dải tốc độ thấp hơn. Lựa chọn này được cho là để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế nước ta và xu hướng trên thế giới.
- Tin liên quan
- • Vì sao Sun Group đề xuất xây tuyến đường sắt nhẹ Sài Gòn - Tây Ninh dài gần 100km?
- • Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Vinpearl ký kết hợp tác thúc đẩy phát triển du lịch
- • Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đạt 8.000 hành khách vào mỗi giờ cao điểm
- • T&T GROUP, SHB hợp tác chiến lược với Vietnam Airlines và Đường sắt VN