Trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước, trong đó trẻ em gái đang có xu hướng dậy thì sớm hơn từ 2 - 3 tuổi còn trẻ em trai thường dậy thì sớm hơn 1 - 2 tuổi.
Dậy thì là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của trẻ. Tuy nhiên, việc dậy thì quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con.
Số trẻ dậy thì sớm ngày càng tăng
Nếu như ngày trước độ tuổi dậy thì ở trẻ là 14-15 tuổi thì ngày nay không khó để bắt gặp các bé gái chỉ mới học lớp 4 hoặc lớp 5 đã có kinh nguyệt. Có thể thấy, tình trạng trẻ dậy thì sớm đang ngày một tăng mạnh và trở thành một vấn đề đáng báo động với các bậc cha mẹ hiện nay.
Theo thống kê mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng gấp 35 lần so với 10 năm trước. Độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai.
Dậy thì sớm thường gặp ở bé gái nhiều hơn bé trai (Ảnh minh họa)
Còn theo TS.BS. Bùi Phương Thảo – Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương, tuổi dậy thì trung bình ở trẻ là 11-12 tuổi. Tại Việt Nam trong năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 365 trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc dậy thì sớm. Trong năm 2020, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 bé dậy thì sớm và đã điều trị ức chế dậy thì cho hơn 500 cháu.
Các thống kê về tình trạng trẻ hóa trong độ tuổi dậy thì ở trẻ em cũng cho thấy, tỷ lệ trẻ em gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn gấp 20 lần so với các bé trai. Hầu hết các trường hợp (90 – 95%) được xác định là vô căn, một số ít (5 – 10%) có bất thường ở não, dị tật não hoặc u não. Ở các bé trai, 1/2 trường hợp (40 – 50%) bé dậy thì sớm có bất thường ở não.
Hiện nay, một số trường hợp đặc biệt, trẻ chỉ mới vài tháng tuổi nhưng đã bắt đầu có những dấu hiệu dậy thì đáng quan ngại.
Dấu hiệu nhận biết trẻ dậy thì sớm
Theo các bác sĩ, hiện tượng dậy thì bao gồm cả sự phát triển của cơ bắp và xương một cách nhanh chóng làm thay đổi chiều cao, cân nặng của trẻ. Trong đó, giai đoạn này cũng đánh dấu sự phát triển về khả năng sinh sản ở bé gái.
Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc, chuyên khoa Nhi, BVĐK Medlatec cơ sở 2 cho biết, phụ huynh có thể theo dõi sự phát triển cơ thể trẻ và nhận biết dấu hiệu dậy thì dựa trên một vài biểu hiện điển hình có thể gặp là: Tăng tốc độ phát triển chiều cao (có thể phát triển chiều cao trước khi phát triển vú); Phát triển tuyến vú, thường ở một bên, đôi khi ở cả hai bên, đây là biểu hiện dễ gặp nhất; Lông mu, lông nách xuất hiện; Kinh nguyệt; Trứng cá có thể xuất hiện với số lượng ít hoặc trung bình.
Trẻ có thể thay đổi về tâm lý như bắt đầu có xu hướng tách khỏi bố mẹ, quan tâm đến bản thân, hay so sánh mình với những bạn cùng tuổi khác, chủ yếu chơi với bạn cùng giới. Đặc biệt, hay mơ mộng, lý tưởng hóa đặt ra những mục tiêu không thực tế, chưa có khả năng kiểm soát bản thân.
Khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra (Ảnh minh họa)
BS Ngọc khuyến cáo, do trẻ dậy thì sớm nên chức năng sinh sản bước đầu được hoàn thiện vì thế có nguy cơ đối mặt với xâm hại tình dục, thậm chí có thai hoặc nạo phá thai ở tuổi vị thành niên nếu không được trang bị kiến thức về tránh thai và bảo vệ bản thân. Những biến đổi sinh lý trên cơ thể này cũng gây nhiều hoang mang lo lắng, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý của sau này trẻ.
Do đó, mỗi phụ huynh hãy chú ý con mình hơn ở độ trước dậy thì, đặc biệt cần dạy trẻ tự ý thức được việc theo dõi, chăm sóc bản thân. Khi thấy sự phát triển bất thường không nên ngại ngùng mà hãy tâm sự với bố mẹ, hoặc tham khảo ý kiến người lớn ngay để có lời khuyên phù hợp. Bên cạnh đó, các phụ huynh cần thường xuyên quan tâm tới sự thay đổi của con em mình để phòng tránh các tác hại do việc dậy thì sớm gây nên.
Đồng thời, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín kiểm tra hoặc thực hiện các xét nghiệm các hormone hướng dục để kiểm tra vấn đề dậy thì sớm ở trẻ.
-->> Gần 300.000 phụ nữ Việt nạo hút thai mỗi năm: Vì đâu nên nỗi?