Trần Nhân Tông: Đức vua, Phật hoàng của dân tộc Việt Nam
Ngay từ khi còn tại thế, Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần đã được tôn vinh là "Phật hoàng" (Vua Phật). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, ngài vẫn được dân tộc Việt Nam ngưỡng vọng, tôn thờ và nhớ mãi.
Trần Nhân Tông (1258-1308) là một trong những vị vua được sử sách ca ngợi là anh minh nhất lịch sử Việt Nam. Nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất, vua có vai trò to lớn lãnh đạo nhân dân Đại Việt qua hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông (1285-1287).
Khi đất nước thái bình, ngài đã từ bỏ ngôi vị, tìm đến núi Yên Tử để học Phật tu hành, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự. Ở đây, ngài đã sáng lập và hoàn thiện giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay. Giáo lý Trúc Lâm đã trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của thời đại nhà Trần, một giai đoạn hoàng kim mà Phật giáo là Quốc giáo.
Ngày 3/12/2013, Đại lễ tưởng niệm lần thứ 705 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn đã được tổ chức rất trọng thể.
Sách Thánh Đăng Lục có chép: “Khi mới sanh ra, thân tướng Ngài vàng tía như sắc Phật nên vua cha mới đặt tên là Kim Phật. Ngài tuy ở địa vị cao sang mà tâm hâm mộ thiền tông từ thuở nhỏ và có chí hướng thượng như bậc Đại Sĩ xuất trần. Do đó, năm mười sáu tuổi được lập làm Hoàng thái tử, Ngài hai lần cố xin nhường lại cho em là Đức Việp, nhưng vua Thánh Tông không cho, vì thấy Ngài có khả năng gìn giữ giang sơn gánh vác việc lớn.”
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, vua Trần Nhân Tông là người “được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng”. Ngài ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng hà ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, sau đưa về táng ở Đức Lăng. “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.
Việc từ bỏ ngôi vua vào núi để tu hành của vua Trần Nhân Tông tưởng chừng xuất thế, nhưng thực chất lại là nhập thế tích cực. Trên đỉnh núi Yên Sơn cách biệt với kinh kỳ, ngài vẫn rõ việc triều chính, nhiều lần về triều khuyên bảo vua Anh Tông tu dưỡng tâm tính, kìm bớt lòng dục, xa rời tửu sắc, gìn giữ chân tâm,... sao cho xứng đáng trở thành bậc quân vương tôn kính. Ngài còn biết rõ được biên cương phương bắc, phương tây và phương nam, có những quyết sách lớn lao và đúng đắn nhằm gìn giữ tình bang giao giữa các nước láng giềng và Đại Việt, giữ vững nền an ninh, chính trị của nước nhà.
Vua Phật Trần Nhân Tông thiền định trong hang đá trên đỉnh Ngọa Vân.
Không phải sau khi qua đời, vua Trần Nhân Tông mới hóa Phật. Danh hiệu Vua Bụt (Phật Hoàng) đã được tôn vinh cho nhà vua khi ngài còn tại thế. Tấm gương Phật hoàng tuy ẩn mà hiện, tuy mờ mà lại sáng. Ngài vượt qua cái bình thường để trở thành cái phi thường, từ cái nhất thời, hữu hạn mà trở về cái vô hạn, vĩnh hằng. Từ chức vụ vua chúa cao sang, Trần Nhân Tông đã trở về ngôi tôn quý Nhà Phật.
Cho nên, hàng ngàn năm qua, có biết bao triều đại thịnh suy trị vì đất nước, bao người đã làm vua - song có ai được mọi người ngưỡng vọng, tôn thờ và nhớ mãi như Phật hoàng Trần Nhân Tông?
Lam Lan (tổng hợp)