Tình hình Libya: 206 lao động Việt Nam rời Libya về nước
Tình hình tại Libya căng thẳng leo thang. Đêm 29/7, 79 lao động đầu tiên trong tổng số 206 lao động Việt Nam làm việc cho nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya gần khu vực xảy ra xung đột là hai thành phố Tripoli và Benghazi đã về nước.
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, đêm 29/7 đã có 79 lao động đầu tiên của công ty xuất khẩu lao động Sona (trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) rời Libya trở về Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Nam, Phó giám đốc công ty xuất khẩu lao động Sona, những lao động này nằm trong tổng số 206 lao động Việt Nam làm việc cho nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya gần khu vực xảy ra xung đột là hai thành phố Tripoli và Benghazi.
Ngày 26/7, theo lời khuyến cáo của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, khi nhà thầu này rút về nước, họ cũng đưa 206 lao động Việt Nam về nước đến hết ngày 2/8.
Lao động Việt Nam ở Libya trở về nước sau khi hết hợp đồng lao động (Ảnh: ĐSPL)
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Dolab) cho biết: “Hiện có khoảng 1.750 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya, trong đó có khoảng 200 lao động làm việc chỉ cách vùng xung đột từ 6-8 km. Dolab đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam, công ty xuất khẩu lao động và chủ sử dụng lao động tìm mọi cách bảo vệ an toàn cho số lao động này, gấp rút sơ tán ra khỏi vùng xung đột để đưa về nước”.
Tờ Đời sống và Pháp luật đưa tin, ngày 27/7/2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi cho biết ngay khi tình hình tại Libya có những diễn biến phức tạp, Đại sứ quán đã thường xuyên liên lạc với các công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya để nắm rõ tình hình và sẵn sàng hỗ trợ công dân.
Cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya đã thiết lập 02 đường dây nóng (hoạt động 24h/24h) +00218.926903041/+00218.923654587; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã mở đường dây nóng +0084. 918370497 để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ các công dân Việt Nam đang làm việc tại Libya.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, trong ngày 30/7, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình lao động Việt Nam tại Libya. Trong đó, đưa ra nhiều phương án phù hợp với diễn biến tình hình từng khu vực để vừa bảo đảm an toàn cho lao động, nhanh chóng sơ tán nếu tình hình căng thẳng leo thang.
L.Hiền (Tổng hợp)