Thúc đẩy bình đẳng giới cho thanh niên dân tộc thiểu số
Nhằm khuyến khích thanh niên dân tộc thiểu số và các nhà báo trẻ trở thành những nhân tố thay đổi, giúp giảm thiểu bất bình đẳng, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) đã triển khai dự án “Góp tiếng nói - thêm bình đẳng” tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La).
Hơn 40 học sinh trường THPT Vân Hồ được tập huấn, tìm hiểu rõ hơn về bình đẳng giới (Ảnh: Quỹ Vì Tầm Vóc Việt)
Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Đặc biệt, Vân Hồ là huyện vùng cao, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Sơn La. Trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc anh em sinh sống, trong đó phần lớn là dân tộc Thái, Mường và Mông.
Mặc dù, nơi đây đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những định kiến và phân biệt đối xử trên cơ sở giới ở cả cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng. Trong khi đó, tiếng nói và sự tham gia của thanh thiếu niên trong thúc đẩy bình đẳng giới vẫn chưa thực sự được phát huy để các em có thể trở thành những nhân tố tạo sự thay đổi.
Do đó, khóa tập huấn “Thanh thiếu niên và bình đẳng giới” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt triển khai tại trường THPT Vân Hồ (huyện Vân Hồ) diễn ra trong 3 ngày từ 4/4 - 6/4 với sự tham gia của những chuyên gia, những người có tiếng nói và đang đấu tranh về bình đẳng giới đã giúp các em học sinh nhận thức được rõ hơn 4 vấn đề nổi cộm ở địa phương bao gồm: Trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình, tảo hôn, xâm hại tình dục trẻ em. Qua đó, các em đã được tạo điều kiện để làm việc nhóm và tìm hiểu sâu từng vấn đề.
Bà Trần Hồng Điệp - Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt chia sẻ về buổi tập huấn (Ảnh: Nguyệt Minh)
Em Mùi Phạm Huyền My (chi đoàn 11A2 - THPT Vân Hồ, dân tộc Mường) chia sẻ: “Những bài học bổ ích từ dự án đã giúp chúng em được hiểu rõ hơn về bình đẳng giới, dám nói ra những điều mà trước đây còn e ngại, chưa dám chia sẻ với ai.
Em hy vọng, với những kiến thức chúng em đã học được, em sẽ lan tỏa đến nhiều người hơn. Bản thân chúng em sẽ cố gắng để trở thành những hạt nhân góp phần mang lại sự bình đẳng giới tại quê hương”.
Các em học sinh tự tin thuyết trình những kiến thức học được sau khóa tập huấn (Ảnh: Quỹ Vì Tầm Vóc Việt)
Bên cạnh đó là vô vàn cảm xúc của các em học sinh sau 3 ngày tập huấn về bình đẳng giới (Ảnh: Quỹ Vì Tầm Vóc Việt)
Đánh giá những kết quả đạt được sau khóa tập huấn, bà Trần Hồng Điệp - Phó Giám đốc Quỹ Vì Tầm Vóc Việt bày tỏ niềm vui mừng khi nhìn thấy những thay đổi tích cực của các em học sinh trước và sau khóa học về bình đẳng giới.
Thứ nhất, các bạn học sinh đã thay đổi thái độ và niềm tin. Theo Phó Giám đốc VSF, đây là điều quan trọng nhất khóa tập huấn muốn truyền tải.
“Từ những điều các bạn trẻ coi bất bình đẳng, định kiến khuôn mẫu là bình thường thì các bạn đã nhận ra đó là không bình thường và cần được thay đổi, các bạn trẻ có niềm tin là mình có thể góp phần cho sự thay đổi đó”, bà Điệp nói.
Thứ 2, thay đổi về khả năng tổng hợp, phân tích thông tin và có thể diễn đạt, trình bày cho mọi người.
Phó Giám đốc VSF cho hay: "Những ngày đầu, khi tôi mời các bạn chia sẻ những thông tin mà các bạn nắm được thì không ít bạn chưa hệ thống hóa được kiến thức và lo lắng về việc không có con số cụ thể. Tuy nhiên, sau đó các bạn hiểu được rằng đôi khi thông điệp của câu chuyện quan trọng hơn con số".
Thứ 3, bà Điệp cho rằng, đó là tinh thần sẵn sàng thay đổi, tiếp tục cho hành trình thúc đẩy bình đẳng giới ở Vân Hồ của các bạn học sinh, nó không chỉ dừng lại ở khóa tập huấn này mà sẽ lan tỏa thông điệp, thực hiện các dự án, sáng kiến thay đổi trong thời gian tới.