Thỏa thuận ly hôn bằng miệng có được không?
Câu chuyện một nam doanh nhân xác nhận đang “hẹn hò” với nữ diễn viên nổi tiếng sau một thời gian “ly hôn bằng miệng” với vợ đang gây xôn xao dư luận. Dù cả hai đều khẳng định quen biết nhau trong thời gian độc thân nhưng liệu việc “thỏa thuận ly hôn bằng miệng” thực sự có giá trị pháp lý hay không?
Hai ngày nay, từ khóa “thỏa thuận ly hôn bằng miệng” đang được nhiều người quan tâm và tìm hiểu.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết đối với vấn đề "ly hôn" thì pháp luật hiện nay không có bất cứ văn bản hướng dẫn nào quy định là trường hợp "ly hôn bằng miệng" hay "ly hôn thực tế" mà thủ tục ly hôn duy nhất pháp luật quy định là do tòa án thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Để được "ly hôn" chấm dứt quan hệ hôn nhân trở thành "độc thân" để được tự do yêu đương, kết hôn với người khác thì các đương sự phải có Đơn yêu cầu tòa án xem xét giải quyết cho ly hôn, kèm theo đó là bản chính đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con và các giấy tờ về tài sản (nếu có yêu cầu chia tài sản).
Ảnh minh họa
Sau khi nhận đơn thì tòa án sẽ kiểm tra, xem xét và có thể thụ lý để giải quyết. Thủ tục giải quyết một vụ việc thuận tình ly hôn trong thời hạn hai tháng, thủ tục giải quyết một vụ án ly hôn có tranh chấp về hôn nhân, về quyền nuôi con hoặc về tài sản là trong thời hạn khoảng 7 tháng.
Nếu vụ việc tranh chấp về tài sản phức tạp thì thời gian kéo dài có thể hàng năm cũng chưa xong. Đơn ly hôn có chữ ký của hai vợ chồng không phải là giấy tờ chứng nhận quan hệ hôn nhân chấm dứt.
Khi nào hai bên có được quyết định hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật cho phép chấm dứt quan hệ hôn nhân thì khi đó mới gọi là đã "ly hôn", mới trở thành độc thân, mới chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của vợ, của chồng theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, trong trường hợp hai người đã có đăng ký kết hôn nhưng do mâu thuẫn mà xé giấy đăng ký kết hôn đi nhưng không thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật tại tòa án thì quan hệ hôn nhân đó cũng chưa chấm dứt.
Trường hợp đã đăng ký kết hôn nhưng do mâu thuẫn mà sống ly thân, mỗi người một nơi thì dù ly thân bao nhiêu năm cũng không được coi là ly hôn, quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn tồn tại. Khi vợ chồng mâu thuẫn xung đột thì những lời nói trách móc, oán giận, nặng lời, gây tổn thương lẫn nhau là khó tránh khỏi. Trong đó có thể xuất hiện lời đề nghị: "ly hôn đi" và người kia vì bực tức mà cũng "đồng ý" ngay, tình huống này có thể gọi là "ly hôn bằng miệng" chứ chưa theo trình tự thủ tục pháp luật, chưa được pháp luật thừa nhận.
Bởi vậy sau đó nếu hai người không đến tòa án để làm thủ tục thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn, chưa có bản án, hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án cho chấm dứt quan hệ hôn nhân thì việc ly hôn bằng việc đó không có giá trị pháp lý.
Điều đó cho thấy đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn ly hôn, thỏa thuận ly hôn bằng miệng chỉ là khởi đầu cho một quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, việc ly hôn thành công chỉ có thể được tòa án công nhận bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp có bản án, quyết định do tòa án cấp sơ thẩm ban hành cho phép ly hôn nhưng nếu quyết định bản án đó có kháng cáo, được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm thì cũng chưa được coi là có hiệu lực pháp luật, chưa được coi là đã ly hôn.
Ảnh minh họa
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, theo quy định của pháp luật thì người đang có vợ, có chồng (chưa thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật) mà chung sống như vợ chồng với người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng theo quy định của Bộ luật hình sự.
Trường hợp ngoại tình (quan hệ lén lút) nhưng chưa được coi là "chung sống như vợ chồng" thì hành vi này vi phạm đạo đức xã hội, bị xã hội cười chê, lên án chứ không có chế tài của pháp luật.
Với những người đàn ông đã có vợ, chưa có quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật của tòa án mà lại yêu đương với người phụ nữ khác thì đây là hành vi ngoại tình, hành vi này vi phạm đạo đức lối sống sẽ bị xã hội cười chê, lên án.
Đơn yêu cầu ly hôn hay file ghi âm nội dung cuộc cãi vã, thỏa thuận ly hôn nhưng chưa được tòa án ghi nhận bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì không phải là chứng cứ để chứng minh quan hệ hôn nhân đã chấm dứt, không phải là căn cứ để cho rằng mình không ngoại tình.
"Với những người nổi tiếng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc có quan hệ ngoại tình thì dư luận xã hội cười chê, lên án là chuyện dễ hiểu, đây là phản ứng tự nhiên đối với thần tượng, với những người của công chúng, khi được nhiều người yêu mến”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.