Thầy Thích Nhất Hạnh nói về 'ngôi nhà đích thực' (2)
Ngôi nhà đích thực của chúng ta được làm bởi các yếu tố: thân thể, cảm thọ và tri giác. Vì vậy, ta cần phải học cách chăm sóc thân thể, cảm thọ và tri giác của mình, đó là điều rất quan trọng.
Xây dựng ngôi nhà đích thực
Yếu tố đầu tiên để làm nên ngôi nhà đó là hình hài, thân thể của chúng ta. Nếu không biết cách chăm sóc thân thể mình thì chúng ta không thể nào có được một ngôi nhà đích thực. Vì vậy ta cần học cách thở, cách đi, cách trở về với thân và buông thư những căng thẳng trong thân. Đó là điều đầu tiên ta cần làm để xây dựng ngôi nhà đích thực của chính mình.
Yếu tố thứ hai làm nên ngôi nhà đích thực là cảm thọ - các cảm giác và cảm xúc trong ta. Nếu muốn có một ngôi nhà đích thực, chúng ta phải học cách chăm sóc các cảm thọ của mình, những cảm thọ dễ chịu cũng như những cảm thọ khó chịu, những cảm xúc đau buồn trong ta.
Ngôi nhà đích thực của chúng ta còn được làm bởi yếu tố thứ ba là tri giác. Phần lớn khổ đau, buồn giận của chúng ta đều phát sinh từ những tri giác sai lầm. Chúng ta có tri giác sai lầm về chính ta và về người khác. Căn cứ trên những tri giác ấy, chúng ta tạo ra biết bao giận hờn, sợ hãi, buồn đau và tuyệt vọng.
Việc xây dựng ngôi nhà đích thực bắt đầu từ chính bản thân ta.
Đó là lý do vì sao chúng ta phải học cách chăm sóc những tri giác của mình bằng sự thực tập nhìn sâu. Chúng ta không nên quá chắc chắn về những tri giác của mình, bởi vì có thể đó là nguyên nhân gây nên rất nhiều khổ đau cho chính chúng ta và cho kẻ khác. Chúng ta cần cẩn thận và tự hỏi: Có chắc như vậy không? Có chắc cái tri giác mà mình tiếp nhận đó là đúng hay không?
Năm giác quan của chúng ta (gồm thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) là năm cánh cửa mở ra để tiếp nhận các thông tin từ thế giới bên ngoài. Vì vậy, nếu biết cách hộ trì các cánh cửa giác quan này, nếu có đủ năng lượng của niệm và định thì chúng ta có thể tránh được rất nhiều tri giác sai lầm và không tạo nên những hiểu lầm, giận hờn, sợ hãi, v.v. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta.
Học cách yêu thương chính mình
Bụt Shakya Muni từng nói rằng vị Bụt xuất hiện trong tương lai sẽ có tên là Maitreya, đức Bụt của tình thương. Từ “Maitreya” trong tiếng Phạn có nghĩa là tình thương. Ngoài ra, từ “maitreya” còn có gốc “mittra”, nghĩa là tình bạn, vì vậy đức Bụt tương lai của chúng ta sẽ là một người rất trẻ và có tên là đức Bụt của tình thương (the Buddha of Love hay Mr. Love).
Qua phần trước, ta đã biết rằng: ta chỉ có thể trở thành "ngôi nhà đích thực" cho những người thương yêu khi ta là ngôi nhà cho chính mình.
Khi nói về tình thương, chúng ta thường nghĩ rằng: thương có nghĩa là thương một ai đó. Chúng ta tin chắc là mình biết thương mình rồi. Nhưng kỳ thực, không phải nhiều người trong chúng ta biết thương chính mình.
Chúng ta chưa thực sự biết thương mình, hay nói cách khác, chúng ta chưa biết cách chăm sóc và thương yêu mình như thế nào cho đúng. Vì vậy đức Bụt của tương lai sẽ dạy cho chúng ta cách thương yêu và chăm sóc chính mình.
Khi biết thương và chăm sóc chính mình, ta mới có khả năng thương yêu và chăm sóc những người khác. Làm sao anh có thể thương yêu và chăm sóc một ai khác nếu như anh không biết thương yêu và chăm sóc chính bản thân anh? Thương yêu chính mình là nền tảng để thương yêu một ai khác. Đây là một điều rất rõ ràng. Vì vậy ta cần phải học cách chăm sóc thân thể, cảm thọ và tri giác của mình, đó là điều rất quan trọng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh