Tâm sự ngày Vu Lan: Còn cha mẹ là điều hạnh phúc nhất
Đời người ai sinh ra rồi cũng phải lớn lên và già đi nhưng người may mắn nhất là người trong suốt những bước đường trưởng thành luôn có bố mẹ bên cạnh dõi theo và dìu dắt.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiền Liên, lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á.
Diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch, lễ Vu Lan đã trở thành truyền thống, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con phải luôn “Một lòng thờ mẹ kính cha - Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Mùa Vu Lan là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên.
Một khoảng trời nhớ thương nơi xứ người
Đó là tâm sự của Thẩm Thanh Hằng, 24 tuổi, đang học tập và làm việc tại Đài Loan. Hằng chia sẻ, đến miền đất hứa nhưng trong lòng Hằng luôn đau đáu nghĩ đến mẹ cha.
“Trước khi đi mình cảm thấy khá hào hứng khi nghĩ đến việc sắp bắt đầu một cuộc sống mới tự lập hơn, không còn những sự giám sát của cha mẹ. Song song với đó là sự lo lắng và sự quyến luyến khi sắp rời đi. Thực sự khoảng thời gian chuẩn bị đi, mình chỉ muốn dành nhiều thời gian ở bên gia đình nhất có thể và mình trân trọng từng khoảnh khắc đó” – chị Hằng tâm sự.
Làm việc tại xứ người, Hằng luôn khắc khoải những nỗi nhớ về gia đình.
Trong những buổi chiều hoàng hôn trở về kí túc xá, lúc thành phố bắt đầu lên đèn, Hằng lại thấy nhớ nhà, nhớ cha mẹ hơn bao giờ hết. Bên cạnh nỗi nhớ niềm thương là những lo lắng khôn nguôi. Vì đây là lần đầu tiên Hằng đi xa nhà lâu đến thế, nên cô lo cha mẹ ở nhà sẽ không khỏi hụt hẫng và trống vắng. Nghĩ đến cảnh cha mẹ buồn bã vì nhớ nhung, Hằng lại thấy có lỗi vì không thể ở bên chăm sóc, phụng dưỡng.
Tuy không có nhiều thời gian dành cho cha mẹ, nhưng Hằng vẫn luôn cố gắng để mỗi phút giây ấy trở nên ý nghĩa nhất có thể bằng những cuộc gọi facetime, những tin nhắn hỏi thăm.
Theo Hằng, cha mẹ không cần những món ăn đắt tiền, những quà tặng xa xỉ từ chúng ta, thứ cha mẹ cần nhất chính là tình yêu thương mà ta có thể dành cho họ. Chỉ cần ngày ngày chúng ta về nhà, cùng cha mẹ ăn bữa cơm, vui vẻ kể cho cha mẹ về ngày hôm nay của mình như thế nào, chỉ cần vậy thôi, chỉ cần khi về nhà bạn vẫn là đứa con bé bỏng của cha mẹ là họ đã mãn nguyện rồi.
Chúng ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi để quay về
Với những người con xa quê, khát khao lớn nhất của họ là được về với gia đình. Ở nơi không có cha mẹ, sẽ có lúc ốm đau, mệt mỏi vì áp lực công việc, chúng ta chỉ có một mình.
Chị Lê Ngọc Ánh, 27 tuổi sống tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi luôn muốn về nhà, dù ngôi nhà có đơn sơ giản dị, không đầy đủ tiện nghi nhưng ở đó có bố mẹ luôn dang rộng vòng tay đón chờ mình, luôn nấu những món ăn mình thích, mua sắm đồ đạc cần thiết cho tôi. Bố mẹ luôn hiểu tôi cần gì, nghĩ gì, tôi được là chính tôi trong chính gia đình của mình, thực sự hạnh phúc và khiến người khác ghen tỵ”.
Trong mắt bố mẹ, Ngọc Ánh luôn là cô công chúa mãi cần được chở che.
Khi chúng ta trưởng thành sẽ phải nghĩ đến chuyện lập gia đình. Đến lúc đó, số lần được trở về nhà có lẽ sẽ ít đi trong khi thời gian của bố mẹ ngày một ngắn lại.
Chị Ngọc Ánh bày tỏ: “Tôi cũng đã từng nghĩ đến 1 ngày bố mẹ già yếu, con cái không thể ở bên cạnh chăm sóc vì phải đi làm xa, vướng bận con nhỏ, gia đình riêng. Tôi sợ ngày đó đến, sợ 1 ngày mình không nghe được giọng nói hay nhìn thấy những nụ cười của bố mẹ, vì thế tôi lại càng chần chừ hơn với việc lập gia đình, dù sao tôi cũng là con gái, đi lấy chồng là con nhà người ta, đã không giúp gì được bố mẹ thậm chí còn luôn khiến bố mẹ lo lắng cho mình”.
Với Ngọc Ánh, mỗi giờ mỗi phút còn bố mẹ bên cạnh đều là phút giây quý giá và tuyệt vời nhất. Mỗi ngày chị Ánh đều dành 30 phút đến 1 tiếng để gọi điện về cho bố mẹ mình, chỉ là những câu chuyện hôm nay ăn gì, đi đâu, có gì mới mẻ khiến bố mẹ vui không.
“Lúc nào chúng ta cũng nói con muốn báo hiếu bố mẹ, bố mẹ đã vất vả vì con nhiều nhưng con chưa làm được gì. Thực ra với bố mẹ chỉ cần con cái vui vẻ sống có ích cho xã hội, bản thân luôn ý thức được mình là ai, khiêm tốn, cần cù, chịu khó. Bố mẹ chỉ cho đi mà không cần nhận lại thứ gì từ con cái” – chị Ngọc Ánh chia sẻ.
Báo hiếu không phải chỉ dành cho một ngày Vu Lan
Là một tiếp viên hàng không, nay bay đây, mai bay đó, chị Đào Thị Phương Dung, 26 tuổi, sống tại Hà Nội không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Rời gia đình cũng đã ngót nghét 7 năm, mỗi mùa Vu Lan đến, Dung lại cảm thấy lòng buồn trĩu.
Chị Dung chia sẻ: “Đối với mình, báo hiếu không chỉ để dành cho một ngày được gọi tên là Vu Lan mà báo hiếu là cả một quá trình, mình còn nhớ hồi nhỏ gia đình mình vẫn ở bên nhau, cùng nhau ăn tối, xem tivi rồi bình luận đủ thứ trên đời chứ không như bây giờ, gia đình 4 người, mỗi người một nơi, bố mẹ mình ở một nơi, chị gái ở một nơi và mình một mình một nơi. Nhưng thỉnh thoảng... mình buồn và nhớ họ, nhớ những khoảnh khắc vô lo, vô nghĩ bên gia đình thời thơ bé rồi lại ngậm ngùi... ừ thì ai mà chẳng phải lớn”.
Được ở bên cha mẹ là những khoảnh khắc bình yên nhất với chị Phương Dung.
Càng lớn chị Dung càng thấu hiểu những nỗi lo của bố mẹ hơn, càng lo sợ việc bố mẹ sẽ già đi vì vậy mà Dung luôn sống vội hơn trong tình cảm gia đình, báo hiếu bố mẹ ngay từ khi bố mẹ còn ở độ tuổi trẻ khoẻ, tâm sự cùng bố mẹ mỗi ngày để thêm gần gũi và luôn có mặt khi bố mẹ cần mình nhất.
Theo chị Dung, để bố mẹ hạnh phúc, giúp bố mẹ vui khoẻ mỗi ngày có lẽ là sự báo hiếu tuyệt vời nhất chứ không phải là những thứ vật chất xa xỉ trong một ngày nào đó mà lạnh nhạt về tình cảm.
Ngay khi cha mẹ còn sống, những người làm con nên biết trân trọng từng ngày, còn cha mẹ để được chăm sóc là hạnh phúc, may mắn của đời người. Đừng để một ngày nào đó phải hối hận vì không sống trọn đạo làm con.