Dạy con tránh tổn thương do vật nhọn gây nên
Những đồ vật, dụng cụ gia dụng hàng ngày như dao, kéo, đinh,… rất có thể là “thủ phạm” gây ra tai nạn cho các bé.
Khi thấy bé gặp phải tai nạn này, cha mẹ tuyệt đối không tìm mọi cách để lấy vật sắc nhọn đã cắm sâu ra khỏi vết thương. Trước tiên hãy rửa sạch và sát trùng vết thương cho bé bằng oxy già hoặc nước muối, và băng cố định dị vật tại chỗ bằng khăn xô đủ chặt để cầm máu. Nếu vết thương rất sâu và chảy nhiều máu, sau khi sơ cấp cứu phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, khi các vật gây thương tích có dính bùn đất, hoặc gỉ sét có thể gây uốn ván và các nhiễm trùng nặng khác, nên đưa bé đi tiêm phòng. Tuy nhiên, phòng hơn tránh, vì vậy cha mẹ nên dạy trẻ cách tránh các vật nhọn có thể gây tổn thương cho bản thân.
Dạy trẻ không chơi những đồ vật nhọn
Không dùng dao, kéo nếu không có bố mẹ giám sát: Trẻ chỉ nên dùng kéo cắt thủ công khi cần thiết, ngoài ra không nên cho trẻ dùng dao kéo khi còn nhỏ. Dao, kéo là những vật dụng thường ngày cho nên người lớn thường để ở những nơi dễ với, dễ lấy mà trẻ cũng có thể lấy được. Có nhiều đứa trẻ thông minh sẽ bắc ghế để có thể lấy được các đồ vật ở trên cao. Chính vì vậy cha mẹ cần phải cất các vật nhọn ngoài tầm với của trẻ, nhưng cũng cần dạy con cách phòng tránh dao, kéo và dạy con cách sơ cứu khi bị những tai nạn trên.
Không chơi những đồ vật nhọn: Trong nhà luôn có một số những dụng cụ nhọn như mũi khoan, tuốc-nơ-vít… Trẻ rất hay tò mò và muốn biết chúng hoạt động như thế nào. Đôi khi chúng dùng những vật dụng đó không đúng mục đích mà cha mẹ không thể lường trước được. Những vật nhọn có thể khiến cho trẻ bị tổn thương nếu đâm vào tay, rơi vào chân hoặc có thể bị ngã khi đang cầm vật nhọn. Cha mẹ cần dạy con tác dụng của những vật dụng ấy và yêu cầu con không được sử dụng hoặc dùng làm đồ chơi. Chẳng may khi bị tổn thương với những đồ vật này thì phải biết cách buộc chặt vết thương để cầm máu sau đó gọi người lớn ngay lập tức.
Không chạy nhảy nơi nhà xưởng: Các gia đình nông thôn thường không chú ý để những vật nguy hiểm lên cao, trong nhà thường có những đồ vật bằng gỗ có đóng đinh. Nhiều đồ vật bị mỗi mọt dễ gãy trơ đinh nhọn có thể gây nguy hiểm nếu trẻ vô tình dẫm phải. Vì vậy để tránh bị đồ vật nhọn đâm vào chân, cha mẹ cần dạy con cách quan sát kỹ khi đi trong nhà, ngoài sân hoặc kể cả khi đi ra đường. Không nên bỏ giầy dép khi đi trong các khu vực như xưởng mộc, xưởng gia công cơ khí nếu có.
Không chạy nhảy nơi nhà xưởng
Không nghịch các đồ vật đã bị hoen gỉ: Những đồ vật hoen gỉ nếu đâm vào chân tay dễ gây nhiễm trùng, vì vậy cha mẹ cần dạy con tác hại của những đồ vật hoen gỉ có đầu nhọn như đinh, kéo, dùi đục, dao cũ. Khi bị thương thì phải gọi người lớn ngay để sát trùng, cầm máu. Nếu vết thương rất sâu và chảy nhiều máu, sau khi sơ cấp cứu phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt, khi các vật gây thương tích có dính bùn đất, hoặc gỉ sét có thể gây uốn ván và các nhiễm trùng nặng khác, nên đưa trẻ đi tiêm phòng.
→ Dạy toán hiệu quả cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi
Nguyễn Hoạt