Sông Bạch Đằng: Chứng nhân lịch sử
Con sông Bạch Đằng không hề xa lạ với bất cứ người Việt Nam nào. Sông Bạch Đằng có lẽ là con sông oai hùng được sử sách ghi chép, thi phú ngợi ca nhiều nhất Việt Nam.
Trong “Bạch Đằng Giang phú”, Trương Hán Siêu từng viết:
“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn trôi về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”.
Con sông Bạch Đằng không hề xa lạ với bất cứ người Việt Nam nào. Sông Bạch Đằng có lẽ là con sông oai hùng được sử sách ghi chép, thi phú ngợi ca nhiều nhất Việt Nam.
Sông Bạch Đằng - nơi ghi dấu chiến tích oai hùng của dân tộc.
Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên dòng sông Bạch Đằng, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc. Năm 981, Lê Hoàn đánh thắng quân Tống, mở ra một thời kỳ hòa bình thịnh thế. Năm 1288, Hưng Đạo Đại vương cùng quân dân nhà Trần đánh tan tác quân Nguyên Mông – kẻ thù đáng sợ nhất của cả thế giới lúc bấy giờ. Bạch Đằng giang đã trở thành biểu tượng của hào khí Đông A, niềm tự hào của cả dân tộc.
Ngày nay, con sông Bạch Đằng yên bình hơn, trầm lặng hơn. Ít người biết rằng, con sông Bạch Đằng thực chất chỉ dài 32 km, là ranh giới tự nhiên giữa thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Sông Bạch Đằng ngày nay thanh bình và êm ả hơn.
Theo Dư địa chí, xưa kia sông Bạch Đằng có tên gọi là Vân Cừ, dân gian gọi là sông Rừng. Sở dĩ sông có tên là Bạch Đằng là do ngày xưa hai bên bờ sông có rất nhiều cây cổ thụ và thường có sóng bạc đầu. (Bạch là bạc, Đằng là cây cổ thụ).
Sông Bạch Đằng có vị trí quan trọng trong giao thông đường thủy. Tuy dòng chảy ngắn nhưng con sông là đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội từ miền Nam Trung Quốc. Từ cửa sông Nam Triệu, dễ dàng di vào các sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.
Cuộc sống yên bình, giàu có của làng quê bên dòng sông Bạch Đằng.
Cũng giống như hầu hết các con sông chảy qua Việt Nam, sông Bạch Đằng bù đắp phù sa cho hai vùng đất ven bờ. Người dân ven sông Bạch Đằng chủ yếu vẫn làm nông nghiệp. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế đã dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp. Các ngành công nghiệp như đóng tàu (nhà máy đóng tàu Phà Rừng), công nghiệp nhiệt điện (nhà máy nhiệt điện Phả Lại), công nghiệp sản xuất xi măng (nhà máy xi măng Hải Phòng) nơi đây phát triển rực rỡ.
Những con tàu lớn là niềm tự hào của người dân bên dòng sông Bạch Đằng, chở hoài bão tinh thần vượt biển của con người nơi đây.
Bản thân ngành nông nghiệp có sự chuyển hướng, bên cạnh trồng các cây lương thực, người dân ở đây còn trồng cây cảnh mang lại giá trị kinh tế cao.
Dù kinh tế - xã hội có thay đổi cùng với xu hướng chung của đất nước, người dân hai bên bờ sông Bạch Đằng vẫn giữ những nét văn hóa truyền thống từ hàng trăm năm nay. Người dân khu vực này sùng bái Ngô Quyền và Hưng Đạo Vương. Những ngôi đền thờ hai vị anh hùng dân tộc được người dân lập nên nhiều không kể xiết.
Đền Tràng Kinh tại ngã ba sông Bạch Đằng thờ vua Ngô Quyền và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng trên đó là đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Ngô Quyền, đền Vua Lê Đại Hành ở thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) nay được xây lại đổi tên là đền Tràng Kênh và đền Trần Hưng Đạo ở phường Yên Giang (Quảng Yên, Quảng Ninh).
Khác với cuộc sống có nét gì đó êm đềm, duyên dáng của người dân Tây Nam Bộ bên dòng Cửu Long, cuộc sống bên dòng Bạch Đằng mang nét gì đó rắn rỏi, cương quyết và hối hả. Con người nơi đây ăn sóng nói gió, dám nghĩ dám làm, quả quyết và liều mạng.
Có thể nói, sông Bạch Đằng đã trở thành chứng nhân lịch sử. Nếu xưa kia Bạch Đằng giang là nơi vùi xác quân thù, anh hùng lưu danh sử sách thì ngày nay con sông chứng kiến sự thay da đổi thịt của đất nước. Khi xưa các anh hùng cầm kiếm giết giặc thì ngày nay, con cháu của vua Ngô Quyền, của Hưng Đạo đại vương ngày đêm làm giàu cho Tổ quốc.
“Giặc tan muôn thủa thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.
Phương Thảo