Sông Cửu Long: Khởi nguồn của nền văn hóa độc đáo vùng sông nước
Con sông Cửu Long đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây. Họ lớn lên bên những dòng sông, uống nước sông, tắm nước sông mà lớn lên. Họ chèo thuyền trên sông, hát trên sông, hẹn hò rồi thành đôi lứa bên những dòng sông.
Trong suốt công cuộc khai phá và xây dựng, đồng bằng sông Cửu Long là nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa. Chính sự đa dạng đã làm nên nét độc đáo của nơi đây. Tuy đa dạng nhưng văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long mang hai nét nổi bật: Văn hóa miệt vườn và văn hóa sông nước.
1. Văn hóa miệt vườn
Miệt vườn - theo nhà văn Sơn Nam, là cách gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì lẽ đó mà người dân ở đây có câu ca dao truyền miệng từ đời này sang đời khác:
Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sinh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phù sa màu mỡ của sông Tiền, sông Hậu – hai nhánh lớn của sông Cửu Long đã bồi đắp lên mảnh đất trù phú này. Để có được những vườn cây trái cao ráo, xanh tươi, sum xuê bốn mùa như ngày nay, người dân ở đây đã khổ công đắp vườn tránh lũ suốt bao năm ròng rã.
Những vườn xoài, bơ, sầu riêng, mận, quýt, cam trên bờ sông Tiền
Những vườn xoài, bơ, sầu riêng, mận, quýt, cam trên bờ sông Tiền, sông Hậu trở thành biểu tượng cho đời sống vật chất và tinh thần phong phú, giàu có của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Những vườn cây ăn trái là giấc mơ của những người dân khu lân cận bởi lẽ nơi đây vừa cao ráo, mát mẻ vừa là nơi hội tụ của những cô gái xinh đẹp đảm đang. Con gái miệt vườn rất giỏi về nữ công gia chánh, cho nên có quan niệm rằng chỉ có trai Gia Định mới xứng đáng làm người yêu:
Ghe ai mũi đỏ xanh lườn,
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?
Có thể nói miệt vườn không chỉ có giá trị kinh tế (mang lại hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm)mà còn góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
2. Văn hóa sông nước
Nói đến sông Cửu Long mà không nói tới ảnh hưởng của dòng sông tới văn hóa nơi đây quả thực là một thiếu sót. Qua hàng trăm năm sinh sống trên hàng trăm hàng ngàn con sông, kênh, rạch, người dân đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành một nền văn hóa đặc trưng.
Cuộc sống sông nước nơi đây vô cùng sôi động. Chính vì kênh rạch chẳng chịt nên người dân đồng bằng sông Cửu Long dùng thuyền để di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Những cô gái, những anh Hai, anh Tư mặc áo bà ba, quấn khăn rằn ri chèo thuyền dọc các con kênh đã trở thành in đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ.
Cuộc sống sông nước nơi đây vô cùng sôi động.
Không chỉ là huyết mạch giao thông, sông Cửu Long còn mang tới nguồn tôm cá dồi dào, góp phần hình thành nên kho ẩm thực đa dạng và đặc sắc của miền sông nước. Cá lóc nướng trui, lươn, rắn nướng lèo, cá tai tượng chiên xù ăn cùng với các loại rau, hoa cỏ lạ như lá lụa, lá cách, lá săng máu, kèo nèo, bông điên điển, so đũa... đủ vị thơm, chua, chát, ngọt, bùi.
Không chỉ là huyết mạch giao thông, sông Cửu Long còn mang tới nguồn tôm cá dồi dào
Con sông Cửu Long đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây. Họ lớn lên bên những dòng sông, uống nước sông, tắm nước sông mà lớn lên. Họ chèo thuyền trên sông, hát trên sông, hẹn hò rồi thành đôi lứa bên những dòng sông.
Sông Cửu Long đã trở thành biểu tượng linh thiêng trong đời sống tinh thần của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì lẽ đó mà con sông đã trở thành cảm hứng cho biết bao áng thơ văn, khúc hát, đồng dao về dòng sông:
"Nhắn ai đi về miền đất phương Nam
Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang
Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh.
Tiếng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này."
Phương Thảo