Quốc gia châu Á nào đón Tết Nguyên đán như Việt Nam?
Ngoài Việt Nam, nhiều nước châu Á khác cũng coi Tết Nguyên đán là dịp lễ cổ truyền của dân tộc, đồng thời cũng là kỳ nghỉ lớn nhất trong năm.
Trung Quốc
Giống như tại Việt Nam, Tết Nguyên Đán cũng là dịp lễ lớn nhất trong năm đối với người Trung Quốc, đây là dịp để mọi người đoàn tụ và quây quần bên nhau đón xuân về. Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc sẽ bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch, kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu).
Đêm 30 tháng 12 âm lịch được gọi là đêm giao thừa, đêm của Đoàn viên. Vào thời điểm này, những thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức các món ăn truyền thống, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện năm cũ và người lớn sẽ mừng tuổi cho trẻ em.
Vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp, người dân Trung Quốc sẽ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc trong nhà và đưa ông Táo về trời... Vào những ngày 28, 29 hay 30 tháng Chạp, các gia đình ở Trung Quốc sẽ treo một cặp câu đối đỏ trước cửa nhà.
Trong ngày đầu tiên của năm mới, người Trung Quốc sẽ thắp hương để tỏ lòng thành kính với trời đất, tổ tiên, tiếp theo đó sẽ cùng chúc tết người trên, bạn bè, cùng các thành viên khác trong gia đình.
Hàn Quốc
Trong văn hóa Hàn Quốc, ngày lễ lớn nhất trong năm chính là Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Seollal, ngày xua đuổi linh hồn xấu xa, điều xui xẻo và chào đón điều tốt lành. Cũng giống như ở Việt Nam, Tết Seollal bắt đầu từ ngày 1/1 Âm lịch và thường kéo dài trong 3 ngày.
Trong dịp nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc đều đóng cửa. Người dân nghỉ làm để trở về thăm quê hương, quây quần bên gia đình. Vào đêm 30 Tết, tất cả mọi người đều phải tắm gội bằng nước nóng để thanh tẩy cơ thể, sau đó sẽ mặc hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành lễ cúng tổ tiên.
Mâm cỗ ngày Tết ở Hàn Quốc cũng rất được coi trọng. Đặc biệt, không thể thiếu món canh bánh gạo (Tteokguk). Người dân nơi đây thường có thói quen hỏi nhau đã ăn bao nhiêu bát Tteokguk bởi họ quan niệm ăn bao nhiêu bát Tteokguk sẽ lớn thêm bấy nhiêu tuổi.
Mông Cổ
Người Mông Cổ gọi Tết Nguyên Đán là Tsagaan, bắt đầu vào ngày đầu tiên theo lịch âm của người Mông Cổ, thường rơi vào đợt trăng non 2 tháng sau đông chí. Vào ngày Tssagaan Sar, người dân nơi đây sẽ cùng nhau thăm hỏi bạn bè, ôn chuyện cũ và chúc nhau những điều tốt lành.
Trước ngày lễ gọi là Bituun, vào ngày này mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại sạch sẽ để đón một năm mới nhiều may mắn và sự an lành. Vào buổi tối các gia đình sẽ tụ họp cùng ăn bơ sữa và bánh bao, đồng thời mọi người sẽ giải quyết hết nợ nần trong năm cũ.
Mọi người sẽ cùng mặc những bộ trang phục truyền thống, tặng quà và mừng tuổi. Các gia đình tập trung tại nhà của người lớn tuổi nhất, khi gặp người già họ sẽ chào theo kiểu zolgokh, nắm lấy khuỷu tay người lớn tuổi để đỡ đần, thể hiện sự tôn trọng.
Mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán của người Mông Cỗ khá là thịnh soạn, nên các gia đình phải chuẩn bị trước rất là nhiều ngày từ trước, đuôi cừu, thịt cừu, cơm, các sản phẩm từ sữa, bánh buuz và tráng miệng bằng sữa chua airag. Bên cạnh đó du khách được thưởng thức những bài hát, điệu nhạc truyền thống do người dân biểu diễn.
Singapore
Người dân Singapore đón Tết truyền thống cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra với Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay, kéo dài từ mùng 1 tết cho đến 15 tháng Giêng âm lịch. Mỗi lễ hội đều mang đậm chất xuân, vui tươi và có rất đông người dân tham gia.
Vào dịp lễ tết, người Singapore thường ăn bánh tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Ngoài ra, mâm cỗ Tết nơi đây cũng không thể thiếu các món ăn khác như Yusheng (cá sống), Chang shou mian (mỳ trường thọ), Pencai (món ăn bao gồm thịt heo, thịt gà, nấm, hải sản, bào ngư, hải sâm, sò điệp),…
Cũng tương tự như ở Việt Nam, tại Singapore, trong dịp lễ này, người thân sẽ dành tặng nhau những phong bao lì xì màu đỏ để cầu chúc may mắn.
Malaysia
Malaysia là đất nước đa sắc tộc, trong đó phần lớn là người gốc Hoa, họ cũng đón Tết Nguyên Đán theo âm lịch giống như Việt Nam hay các quốc gia châu Á khác.
Vào dịp Tết Nguyên Đán, người Malaysia cũng sẽ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nhằm quét dọn những xui xẻo trong năm cũ đón chào những may mắn trong năm mới. Họ cũng rất thích trang trí bằng những món đồ màu đỏ, nhằm mang lại nhiều may mắn.
Tết Nguyên Đán cũng là ngày sum họp và đoàn tụ, họ cũng chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên, lì xì cho trẻ nhỏ, người chưa lập gia đình. Nếu như bạn ghé đến đây vào những ngày này, sẽ được gia chủ tiếp đón bằng những món ăn, đồ uống ngon, đặc biệt trong đó không thể thiếu được quýt.
Lịch nghỉ Tết chính thức chỉ có hai ngày nhưng các lễ hội thường sẽ kéo dài cho đến hết rằm tháng Giêng. Bữa ăn ngày Tết sẽ bao gồm đầy đủ các thành viên trong gia đình, họ hàng, bên cạnh đó rất nhiều nhà hàng Trung Quốc sẽ phục vụ bữa ăn gia đình không muốn tổ chức tại nhà. Ngoài ra còn có các tiết mục múa hát, múa lân sư rồng chào đón năm mới vô cùng nhộn nhịp, sôi động.
Triều Tiên
Trước đây, người dân Triều Tiên đón tết vào tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, hiện tại họ chuyển sang đón Tết Nguyên đán vào mùng 1 tháng Giêng như nhiều quốc gia châu Á. Tết của người dân Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống không thể thiếu như dán hình động vật lên cửa để cầu may, xem bói, đón trăng mọc…
Vào đêm 30 Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau quét dọn nhà cửa, treo câu đối, tranh Tết, làm cơm Tết và quây quần bên nhau để chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao của đất và trời.
Sáng mùng 1, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ đại diện làm lễ tạ ơn gia tiên. Trong mâm cỗ Tết của người Triều Tiên không thể thiếu món Ttok-kuk, một món ăn được chế biến từ bánh gạo, đậu xanh và nước cơm. Món ăn này được cho rằng có thể giúp mọi người sống lâu hơn.