Quảng Ninh phát triển du lịch bền vững
Khai thác lợi thế, tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bền vững, trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia.
Quảng Ninh luôn xác định hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Bằng các nguồn lực, tỉnh đã tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, kết nối hạ tầng giao thông. Qua đó, nhiều công trình đã được đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của du khách, tăng lợi thế cạnh tranh cho địa phương, tạo động lực thúc đẩy du lịch, như Cảng tàu quốc tế Tuần Châu, cảng tàu quốc tế Hạ Long, bến cảng cao cấp Ao Tiên, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn… Quảng Ninh hiện đang được đánh giá là địa phương có hạ tầng kết nối du lịch tốt nhất Việt Nam.
Cảng biển tại Vân Đồn được đầu tư phục vụ phát triển du lịch ở các tuyến đảo và huyện Cô Tô
Cùng với đó, Quảng Ninh trọng phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn. Có thể kể đến như sản phẩm nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long được triển khai tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, trên tàu nhà hàng, du thuyền; lặn biển ngắm san hô, bãi cắm trại du lịch và tham quan các đảo gần bờ tại Cô Tô, Vân Đồn…
Đặc biệt, giữa tháng 6/2023, phố đi bộ Bài Thơ đã được khai trương, đưa vào hoạt động, tạo ra sản phẩm du lịch mới. Tuyến phố đi bộ Bài Thơ được triển khai tại 2 phố Long Tiên và Lê Quý Đôn (phường Bạch Đằng) có chiều dài gần 400m, đi qua 17 tổ dân với khoảng 500 hộ gia đình. Phố đi bộ hoạt động từ 18 đến 24h thứ 6 và thứ 7 hằng tuần với khoảng 50 gian hàng lưu động bày bán hàng lưu niệm, đồ ăn, thức uống dọc tuyến. Người dân ở tuyến phố này được phép sử dụng vỉa hè trước cửa để kinh doanh dịch vụ. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch là động lực quan trọng thu hút khách du lịch tới Quảng Ninh.
Hạ Long khia trương tuyến phố đi bộ tại phường Bạch Đằng - một sản phẩm du lịch mới của thành phố (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Bên cạnh việc khai thác tiềm năng du lịch biển trung tâm là Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long), Quảng Ninh còn khai thác thế mạnh du lịch văn hóa phong phú ở các huyện lân cận, tạo thành điểm đến hấp dẫn du khách, gìn giữ bản sắc dân tộc.
Đặc biệt các tỉnh miền núi, biên giới cùng với các điểm du lịch về phong cảnh thì còn có sự phát triển du lịch văn hóa như Bình Liêu duy trì và làm mới lễ hội đình Lục Nà, hội Soóng cọ, hội Kiêng gió, lễ hội hoa sở, tuần Văn hóa - Du lịch; huyện Tiên Yên xây dựng làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ, tổ chức chợ phiên Hà Lâu, duy trì phố đi bộ ở thị trấn Tiên Yên… Qua đó, góp phần khắc phục tính mùa vụ, đưa Quảng Ninh trở thành "điểm đến 4 mùa", thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Một góc nhỏ của TP Cẩm Phả nằm ven Vịnh Bái Tử Long - Thành phố phát triển từ nâu sang xanh
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định 2256/QĐ-UBND phê duyệt đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án đặt ra mục tiêu phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại.
Theo đề án, đến năm 2024, du lịch Quảng Ninh phục hồi hoàn toàn, đón được ít nhất 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 3 triệu lượt khách quốc tế; năm 2025 đón khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế; năm 2030 đón khoảng 25,5-26 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 8,6-9 triệu lượt khách quốc tế.