Quảng Ninh: Chính quyền “giằng co” với dân trong công tác đền bù GPMB?
Dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu dân cư Trung tâm thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, được tỉnh Quảng Ninh phê duyệt vào tháng 6 năm 2005. Nhưng cho đến nay công tác đền bù giải phóng chưa được hoàn thành gây búc xúc khiến người dân khiếu kiện kéo dài.
Kéo dài công tác bồi thường!
Báo Gia đình Việt Nam nhận được đơn tố cáo của hàng chục hộ dân ở thị trấn Cái Rồng (Vân Đồn, Quảng Ninh) về việc một số cán bộ huyện Vân Đồn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố tình làm trái pháp luật trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu dân cư Trung tâm thị trấn Cái Rồng.
Trong đơn, người dân đã cung cấp đầy đủ chi tiết các giấy tờ có liên quan đến công tác đền bù GPMB cùng với công tác giải quyết đơn thư tố cáo của người dân gửi chính quyền.
Hàng loạt đơn thư của người dân gửi Báo Gia đình Việt Nam
Ông Nguyễn Công Minh một người dân cho biết: “Việc đền bù GPMB dự án đến nay kéo dài quá lâu với hơn 10 năm, vậy mà người nông dân chúng tôi vẫn chưa được giải quyết chế độ bồi thường theo đúng chính sách của nhà nước. Thực sự chúng tôi luôn bị dày vò, khổ tâm và bức xúc vì luôn bị áp lực phải nhận nhiều thông báo, quyết định, văn bản… Và rất nhiều giấy mời họp dân đối thoại với huyện, đối thoại với cả luật sư mà UBND huyện thuê đều bị thất bại trước lẽ phải của người nông dân chúng tôi”.
Trong lá đơn tố cáo, ông Minh cũng dẫn ra cụ thể các mức giá bồi thường dự án mà UBND huyện Vân Đồn áp dụng. Lần một là 16.900đ/m2, lần hai là 21.900đ/m2, lần ba là 50.000đ/m2, lần bốn là 148.172đ/m2 và lần thứ năm là 220.442đ/m2.
“Nhiều lần đưa ra các mức giá như thế nhưng các hộ dân trong diện giải tỏa đã không đồng ý và đành phải khởi kiện UBND huyện Vân Đồn ra tòa án. Nhờ đó, sau nhiều lần đối thoại cuối cùng chính quyền huyện đã phải hủy các quyết định trước đó về công tác bồi thường và hứa cam kết sẽ giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân trong năm 2013, nhưng đến giờ vẫn chưa xong công tác bồi thường cho bà con”- Ông Minh nói.
Theo những người dân ở đây cho biết, toàn bộ diện tích đất thu hồi vào dự án trên là đất đai bà con canh tác từ năm 1978 khi người Hoa về nước, người dân đã ra khai hoang, canh tác. Tuy nhiên, khi UBND huyện Vân Đồn thực hiện công tác GPMB chỉ tính cho hộ chính chủ mà không tính hạn mức đất đai họ đã giao cho con cái canh tác, do đó việc bồi thường với mức giá cao bị thu hẹp, đồng thời giá đất cũng bị chênh lệch.
“Đầu năm nay dân chúng tôi lại nhận được phương án đền bù mới nhưng chỉ có 7 hộ nhận, còn 17 hộ dù đã biết phương án bồi thường nhưng cương quyết không nhận và tiếp tục kiến nghị. Tổng diện tích của 24 hộ là 4ha8 đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư”- Một người dân cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 14 tháng 4 năm 2004 Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Vương Long (Công ty Vương Long) được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận phê duyệt địa điểm Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư đô thị phía Nam thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn.
Ngày 9 tháng 6 năm 2005 UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu dân cư Trung tâm thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn.
Ngày 1 tháng 8 năm 2005 Công ty Vương Long được UBND tỉnh giao đất để thực hiện dự án với quỹ đất là 1.441.470 m2 đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp của một số hộ dân và UBND thị trấn Cái Rồng.
Ngày 11 tháng 5 năm 2006 UBND huyện Vân Đồn đã ra thông báo về việc GPMB dự án đầu tư xây dựng – kinh doanh hạ tầng khu dân cư Trung tâm thị trấn Cái Rồng. Đến tháng 5 năm 2007 UBND huyện Vân Đồn đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 24 hộ dân có đất nông nghiệp nằm trong dự án. Tuy nhiên một số hộ dân không đồng ý với phương án bồi thường và khiếu nại chủ đầu tư và UBND huyện Vân Đồn.
Khu đất nằm trong dự án
“Đá đưa” quả bóng trách nhiệm?
Nhằm làm rõ vụ việc trên chúng tôi đã liên hệ với chính quyền huyện Vân Đồn. Qua trao đổi với phóng viên ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ tịch huyện Vân Đồn cho biết: “Huyện đang làm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh. Hiện tại không có vướng mắc gì cả. Việc đền bù sắp xong rồi, dân nhận và bàn giao bình thường…”
Liên quan mức giá đền bù thay đổi liên tục, ông Hưng giải thích: “Ngày xưa chính sách GPMB chưa rõ ràng. Việc bồi thường theo đơn giá của tỉnh điều chỉnh hằng năm. Trường hợp nào chưa đền bù xong để đến cuối năm, sang năm sau, khi đó đơn giá của tỉnh tăng lên thì phải tăng. Sau đó liên quan đến chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, kéo năm nọ sang năm kia thì giá tăng lên”.
“Vậy đây có phải là dự án kinh doanh hay không?” - Trả lời câu hỏi này của phóng viên, ông Hưng cho rằng: “UBND tỉnh phê duyệt dự án, dự án này thuộc diện nhà nước thu hồi đất. Còn Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu dân chỉ là cái tên của dự án thôi”.
Để tìm hiểu rõ vấn đền về công tác đền bù GPMB ông Hưng đã giới thiệu phóng viên làm việc trực tiếp với Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện. Vậy nhưng khi phóng viên liên hệ với ông Trần A Hùng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thì vị này “đá” sang ông Trần Văn Hạnh, Phó Giám đốc trung tâm.
Khi phóng viên liên hệ đến ông Hạnh thì ông Hạnh nói rằng, phải có giấy giới thiệu trực tiếp của UBND huyện về vấn đề này thì mới làm việc?.
Với thực tế trên có thể thấy, công tác đền bù GPMB liên quan đến dự án này vẫn còn nhiều uẩn khúc, đặc biệt với một dự án mà phương án bồi thường "thay đổi" chóng mặt và kéo dài qua nhiều năm liền.
Đáng nói hơn, dù lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn khẳng định dự án không còn vướng mắc gì trong việc đền bù GPMB, nhưng thực tế người dân vẫn chưa chấp thuận và tiếp tục gửi đơn kêu cứu để đòi quyền lợi.
Trao đổi nhanh với phóng viên báo Gia đình Việt Nam, một chuyên gia luật cho rằng, nếu là dự án kinh doanh thì luật đất đai năm 2003 quy định: Chủ đầu tư phải trực tiếp thỏa thuận với dân về mức giá bồi thường. |
|
Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc!
Thiên Bình – H. Vững
|
||