Quảng bá ẩm thực Đà Nẵng, cô gái Việt lên báo Mỹ
Với tình yêu dành cho những món ăn quê nhà giản dị mà đậm đà, cùng với nhiệt huyết sáng tạo của tuổi trẻ, cô gái Lê Hạ Uyên đã góp phần không nhỏ vào công cuộc quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới.
Lê Hạ Uyên (26 tuổi) đến từ Đà Nẵng – là cựu sinh viên trường ĐH Châu Á Thái Bình Dương tại Nhật Bản và trường ĐH Quốc gia Úc, thuộc chuyên ngành Quản trị Kinh doanh. Trong suốt 4 năm sinh sống, học tập tại quê người, đã có rất nhiều bạn bè quốc tế tò mò về quê hương của cô gái trẻ này, đặc biệt là về ẩm thực. “Bạn bè của mình rất mê ăn uống vì thế khi tìm hiểu nhau, về quê hương, đất nước thì đề tài này luôn thu hút họ” – Uyên cho biết.
Lê Hạ Uyên xuất hiện trên tạp chí của quê nhà |
Thế là trong một lần “tám”, một người bạn của Uyên đặt vấn đề: “Nếu tôi đến quê hương của bạn thì tôi nên ăn gì? Ở đó có những món gì đặc biệt?”. Dù là một câu hỏi nhỏ, có thể chỉ mang tính xã giao, nhưng đối với Uyên lại là một câu “hóc búa” và khó mà trả lời ngay được.
“Khi đó mình có thể liệt kê ra hàng tá món ăn đặc trưng của Đà Nẵng, của miền Trung, nhưng vấn đề là nói mà họ không thể hiểu, không thể hình dung vì chẳng có hình ảnh nào minh họa cho họ xem thì cũng như không” – Uyên chia sẻ.
Lê Hạ Uyên trong những ngày rong ruổi đi ghi hình các món ăn Đà Nẵng |
Mang trong người sự khó chịu về vấn đề ấy, sau vài ngày, Uyên về nhà lục tung khắp trên mạng, “thỉnh giáo” cả Google nhưng “ẩm thực quê hương tôi răng mà thương rứa. Một cái ảnh cũng không thấy mô”. Thế là từ đấy, Uyên quyết định làm một cái gì đó cho ẩm thực quê nhà, cho quê hương Đà Nẵng – miền Trung của mình.
Chỉ sau vài năm, “tên tuổi” của Uyên bắt đầu được rất nhiều người nước ngoài biết đến thông qua trang blog cá nhân tên danangcuisine.com. Uyên còn được tạp chí Weekend Weekly của Hongkong, và cả thời báo uy tín nhất của Mỹ là New York Times mời làm nhân vật cho bài viết của họ.
|
Trang web về ẩm thực Đà Nẵng do Lê Hạ Uyên sáng tạo nên |
Thường trong một bài viết của Uyên có đầy đủ hình ảnh minh họa cho các món ăn một cách chi tiết nhất. Từ chén nước mắm, lọ ớt, từng con tôm, cọng bún,… cũng được Uyên ghi nhận lại một cách cẩn thận. Rồi đến giá cả, hương vị, địa điểm, nét đặc biệt,… Có những đoạn Uyên so sánh với những hàng quán hay một món ăn tương tự khác theo cách vui nhộn, gần gũi.
Chính vì lối viết đáng yêu mà thật, nên thường mỗi bài của Uyên được vài chục đến vài trăm người nước ngoài vào bình luận, trao đổi. “Nhiều bạn nước ngoài còn lưu lại và ăn thử hết các địa chỉ trong bài của mình viết khi du lịch Đà Nẵng. Cảm giác những gì mình viết ra được tin tưởng và trân trọng thì chẳng còn gì tuyệt bằng”.
Để “nâng cấp hình ảnh” cho bài viết, và tăng sự sinh động, khoảng 2 năm trở lại đây Uyên còn tự quay clip, đặc tả lại từng món ăn. “Thời điểm đó mình thấy chưa có ai quay clip về món ăn cả, nên quyết định thử xem sao. Ai ngờ phản ứng của mọi người rất tốt, ai cũng bảo xem qua clip thế này cảm thấy “đói hơn, thèm hơn và rất thật”.
Lê Hạ Uyên trên bìa tạp chí Hongkong |
“Tiếng lành đồn xa”, ngày 20/2/2012, trên số ra 650 của tạp chí du lịch nổi tiếng của Hongkong đã có bài viết dài đến hơn 20 trang viết riêng về ẩm thực Đà Nẵng và cả về cô bạn Hạ Uyên này. Trong đó, có 2 trang giới thiệu và phỏng vấn về Uyên cũng như về thành phố Đà Nẵng, 10 trang giới thiệu một số món ăn ngon của Đà Nẵng như bánh xèo, xôi gà, bún bò,…
“Đây là lần đầu tiên mình thấy món ăn vỉa hè của Đà Nẵng được giới thiệu trên 1 tạp chí nổi tiếng của nước ngoài. Và đây cũng là thành quả đầu tên mình gặt hái được trong công cuộc quảng bá ẩm thực Đà Nẵng đến với bạn bè thế giới” – Uyên hào hứng chia sẻ.
Phương Thảo (tổng hợp)