Phong tục đi chùa ngày Tết và hái lộc đầu xuân của người Việt
Đi chùa đầu năm dường như đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, nhất là bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết, người dân đã tổ chức đi chùa để cầu sức khỏe, cầu bình an…
Đi chùa đầu năm nét đẹp văn hóa tâm linh người Việt
Người dân Việt Nam đi chùa thường có quan niệm rằng, sau một năm cũ đã qua với bao nhiều bộn bề lo toan của cuộc sống, năm mới sẽ có nhiều điều may mắn hơn, hạnh phúc hơn. Cũng có những người đến chùa mong tìm lấy những giây phút bình yên nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Nhưng tất cả đều hướng đến tấm lòng thành kính, thành tâm.
Đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa tâm linh của người người Việt, họ tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh.
Ngoài quan niệm, phong tục đi lễ chùa đầu năm. Vào đêm 30 Tết khi tiết trời bắt đầu sang xuân (hay gọi là đêm giao thừa). Người Việt còn đi “hái lộc” đầu xuân. Lộc thường là những chồi cây non mới nhú thể hiện một sức sống tràn đầy sinh lực. Do đó, người dân đi xin lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe, may mắn.
Người dân đi chùa cầu sức khỏe, cầu bình an và hạnh phúc
Những cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình.
Nếu ngày xưa, việc hái lộc phải từ những cây ở chùa thì hiện nay, tục hái lộc đã đổi khác và có những phá cách mang tính tích cực. Những năm gần đây, người đi hái lộc đầu xuân thường hái lộc theo nhiều cách chứ không nhất thiết phải bẻ cành, bứt đọt cây. Lộc xuân có thể là mua một vài quả khế, cây mía hoặc một chậu cây nho nhỏ… đem về nhà trong ngày đầu năm. Tất cả những điều đó làm tôn lên vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Cho dù cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh bao nhiêu thì những phong tục hay nét văn hóa riêng đi chùa ngày Tết vẫn luôn được người dân lưu giữ và sống mãi với thời gian. Cõi tâm linh trong cuộc sống chúng ta là một thứ gì đó rất thiêng liêng và đáng trân quý, nơi đó chúng ta gửi gắm bao điều chúc, điều ước tốt đẹp đến với mọi người, với gia đình. Vì thế mà những nét đẹp văn hóa của người Việt vẫn luôn là niềm tự hào cần lưu giữ.