Phát hiện vỡ khối u thận sau nhiều ngày đau tức vùng thắt lưng
Trước khi vào viện, bệnh nhân bị đau tức vùng thắt lưng và hố chậu bên phải, đau âm ỉ, không lan xuyên, không quặn thành cơn, kèm theo sốt kéo dài.
Khoa Tiết niệu trên Bệnh viện TW Quân đội 108 vừa tiếp nhận trường hợp cấp cứu bệnh nhân nữ (79 tuổi), tiền sử không mắc các bệnh lý mạn tính, chưa phát hiện bệnh lý đường tiết niệu trước đây bị sốc mất máu mức độ nặng do vỡ khối u thận phải.
Theo lời kể của bệnh nhân và người nhà, cách thời điểm vào viện khoảng 1 tuần bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như đau tức vùng thắt lưng và hố chậu bên phải, đau âm ỉ, không lan xuyên, không quặn thành cơn, kèm theo sốt kéo dài, nhiệt độ 37,5 – 38 độ C, sốt kèm gai rét, không rét run, đại tiểu tiện bình thường.
Bệnh nhân may mắn được các bác sĩ can thiệp kịp thời
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, kèm hoa mắt, chóng mặt. Qua thăm khám, bác sỹ trực cấp cứu nhận định thấy bệnh nhân da niêm mạc nhợt, kèm theo tình trạng trụy tim mạch, không liên quan tới các yếu tố chấn thương. Kết hợp với các kết quả cận lâm sàng bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc mất máu mức độ nặng do vỡ khối u thận phải, sỏi niệu quản phải 1/3 dưới.
Tại Bệnh viện TW Quân đội 108, với sự phối hợp của các chuyên ngành trong kíp trực, bệnh nhân đã được can thiệp thành công nút mạch động mạch thận phải, giải quyết được nguyên nhân gây sốc mất máu. Sau đó bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa Tiết niệu trên.
Qua hội chẩn, các bác sĩ khoa Tiết niệu trên Bệnh viện TW Quân đội 108 nhận định trường hợp của bệnh nhân đã được can thiệp mạch, kết hợp truyền máu, bù dịch, nhưng tình trạng cải thiện chậm.
Bệnh nhân tiếp tục phải sử dụng thuốc vận mạch, bụng chướng nhiều, tình trạng tiêu hóa kém do ảnh hưởng của khối máu tụ lớn vùng hố thận phải, đồng thời xuất hiện các rối loạn của tim mạch.
Vì vậy, chỉ định phẫu thuật của bệnh nhân được đặt ra nhằm giải quyết tình trạng cấp tính hiện tại dù bệnh lý đã ở giai đoạn muộn. Sau khi giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh lý, các nguy cơ có thể gặp trong và sau phẫu thuật, gia đình bệnh nhân đồng ý tiến hành phẫu thuật.
Bác sĩ Kiều Đức Vinh - Khoa Tiết niệu trên Bệnh viện TW Quân đội 108 cho biết, sau 5 giờ phẫu thuật, với nhiều khó khăn trong phẫu thuật như bệnh nhân bị khối u thận phải kích thước lớn, ở giai đoạn muộn đã xâm lấn thành lưng phía sau.
Do đó, phẫu thuật viên đã lựa chọn phẫu thuật mổ mở, với đường mổ dưới bờ sườn. Tuy nhiên đường tiếp cận qua ổ bụng cũng rất nhiều vấn đề phức tạp, toàn bộ các quai ruột chướng hơi lớn do tình trạng liệt ruột cơ năng. Tổ chức quanh khối u thận mủn nát, mất nhận dạng giải phẫu vùng rốn thận.
Với sự nỗ lực của ê kíp phẫu thuật đã thành công. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức ngoại và chuyển điều trị tại khoa Tiết niệu trên sau 4 ngày. Tại thời điểm này, tình trạng huyết động của bệnh nhân đã ổn định, không cần sử dụng thuốc vận mạch, tình trạng chướng bụng cải thiện nhiều, đã trung tiện được.
Theo bác sĩ, đối với bệnh nhân ung thư biểu mô đường niệu hay ung thư hệ tiết niệu nên thăm khám sức khỏe định kỳ và chủ động nhất để nâng cao hiệu quả điều trị nếu không may mắc phải các bệnh lý ác tính.
Khuyến cáo thời gian thăm khám định kỳ là từ 6 – 12 tháng hoặc khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến bệnh lý đường tiết niệu như đau tức vùng mạn sườn thắt lưng, tiểu đỏ hoặc tiểu ra máu, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.