Nữ giáo viên mang thai tháng thứ 8 bị cắt hợp đồng: Luật sư nói gì?
Liên quan đến sự việc cô giáo đang mang thai ở tháng thứ 8 vẫn bị cắt hợp đồng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, luật sư Trương Anh Tú đã có những phân tích dưới góc độ quyền của người lao động.
Mới đây, sự việc cô giáo đang mang thai ở tháng thứ 8 vẫn bị cắt hợp đồng ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh khiến dư luận hết sức thương cảm. Luật sư Trương Anh Tú đã có những phân tích dưới góc độ quyền của người lao động.
Luật sư Trương Anh Tú cho biết, lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ là đối tượng được pháp luật lao động bảo hộ. Nhà nước luôn có những chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ có việc làm thường xuyên, hạn chế các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc sa thải đối với người phụ nữ trong trường hợp này.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 155 bộ luật lao động năm 2012 thì “người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi…”.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 155 thì “trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động”.
Luật sư Trương Anh Tú có những phân tích dưới góc độ quyền của người lao động về trường hợp cô giáo mang thai tháng thứ 8 bị cắt hợp đồng
Điều 39, Bộ luật lao động năm 2012 quy định các trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong đó có trường hợp “Lao động nữ quy định tại khoản 3, Điều 155, BLLĐ”
Như vậy, trong trường hợp lao động nữ đang mang thai, nghỉ thai sản theo quy định hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không có quyền xử lý kỷ luật hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Khi bị đơn phương chấm dứt, người lao động có quyền đề nghị chủ sử dụng lao động xem xét lại quyết định chấm dứt hợp đồng, gửi đơn đến các cơ quan bảo vệ quyền lợi người lao động như: công đoàn của công ty, Phòng lao động thương binh xã hội của huyện hoặc các cơ quan khác để được giúp đỡ. Nếu người sử dụng lao động không đồng ý, người lao động có thể gửi đơn khởi kiện ra tòa án đề nghị giải quyết.
Đào Bích