Nông dân Hải Phòng “chơi sang” nhà gỗ bạc tỷ
Người dân ở xã Thủy Triều chỉ làm nông nghiệp, đi biển. Cuộc sống không mấy khá giả, thế nhưng họ vẫn dựng được ngôi nhà gỗ lim đồ sộ, mang đậm nét cổ kính…
Khoảng hơn 20 năm về trước, nhiều nông dân ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đua nhau xây nhà tầng khang trang. Thế nhưng, thời gian gần đây, người dân ở vùng quê này lại quay về với thú chơi tao nhã: “chơi” nhà gỗ tiền tỷ.
Trồng lúa, làm thuê nhưng xây nhà gỗ tiền tỷ
Đến xóm 5, 6, xã Thủy Triều, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi những ngôi nhà gỗ lim được làm cầu kỳ, mang đậm nét cổ kính. Kỳ lạ hơn, những ngôi nhà đồ sộ này lại do chính những người nông dân “chân lấm tay bùn” dựng lên.
Ở trong con ngách nhỏ, ngôi nhà bằng gỗ lim của ông Đặng Văn Viện (42 tuổi, ở thôn 6) nổi bật hơn hẳn ngôi nhà tầng kế bên bởi kiến trúc khác lạ. Nhà có 3 gian, 13 cột, được dựng bằng lim, cửa thùng khung khách, lợp ngói vẩy. Gian giữa là bộ hương án, hai gian bên cạnh kê sập gụ, tủ chè và bàn ghế cũng bằng gỗ dùng để tiếp khách.
Ông Viện cho biết, ngôi nhà có diện tích 70 m2, xây dựng từ năm 2011, hết gần 1 tỷ đồng. “Để dựng được ngôi nhà gỗ lim đồ sộ thế này, gia đình tôi đã phải chuẩn bị 6 năm trời. Mỗi năm tôi dành tiền đi mua khoảng 5 cây gỗ lim Lào về gom ở nhà. Mỗi cây gỗ lim dài 4,3 m, đường kính 20 cm, mua với giá 8 triệu đồng. Cứ như vậy, đến khi đủ gỗ, tôi mới bắt đầu dựng nhà”, ông Viện kể.
Ông Viện cho biết thêm, gia ông có 2 sào ruộng. Những lúc rảnh, ông lại đi làm thuê cho người dân trong vùng. Vợ ông buôn bán ở một chợ nhỏ gần nhà.
Nhiều người nông dân ở xã Thủy Triều có thú chơi nhà gỗ bằng lim. Cổng cũng được làm bằng gỗ lim, bên trên lợp ngói vẩy.
Cách nhà ông Viện không xa, ngôi nhà gỗ lim của ông Trần Văn Thành (48 tuổi, cùng xóm 6) cũng khiến nhiều người trầm trồ bởi nét hoa văn tinh xảo.
Năm 2011, ông Thành dựng ngôi nhà gỗ lim có diện tích 60 m2 này hết 1,2 tỷ đồng. Nhà cao khoảng 4 m, lợp ngói vẩy. Nhà có 3 gian, cửa thùng khung khách. Trước mái hiên, thanh gỗ kèo có khắc hoa văn hình cây tùng, cúc, trúc, mai… Bên trong nhà cũng kê sập gụ, tủ chè. Gian chính giữa bày đồ thờ cùng với cặp câu đối.
Ông Thành cho hay, ông thích nhà gỗ từ lâu, nhưng do gia đình làm nông, không có điều kiện nên ông phải nuôi ý tưởng đến tận năm 2011 mới dựng được nhà. “Nhà tôi làm nghề mộc. Do vậy, kinh tế còn hạn hẹp nên mỗi năm tích góp mua được từ 5-10 cây gỗ lim Lào nhập khẩu gom lại. Sau 5 năm, tôi đã có đủ gỗ để dựng ngôi nhà mới như hiện nay”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho hay, khoảng 5 năm trở lại đây, thú chơi nhà gỗ trở thành phong trào của người dân trong vùng. Kiến trúc của ngôi nhà có đồ sộ, khang trang hay không phụ thuộc vào túi tiền của chủ nhân. Gia đình có nhiều tiền thì làm thân cột to, trang trí nhiều hoa văn cầu kỳ. Gia đình ít tiền cột trụ bé hơn, ít hoa văn tinh xảo. Nguồn gỗ lim dựng nhà thường mua từ các lái buôn ở Quảng Ninh với giá khoảng 40 triệu đồng/khối gỗ. Nhà gỗ đều do bàn tay của những người thợ mộc trong làng dựng.
Ngôi nhà của ông Trần Văn Thành ở xóm 6 khiến nhiều người trầm trồ bởi nét hoa văn tinh xảo
Thích nhà gỗ vì mang nét cổ kính
Dù làm nông nghiệp, kinh tế không mấy khả giả nhưng những người dân ở Thủy Triều đều mong muốn dựng được nhà gỗ lim với nét cổ kính, gần gũi với người dân.
Năm 2011, ông Lê Văn Sửu (66 tuổi, huyện Thủy Nguyên) cũng mới dựng ngôi nhà bằng gỗ lim, rộng gần 100 m2, trị giá gần 2 tỷ đồng. Ông Sửu cũng dựng theo kiểu kiến trúc cổ. Điều đặc biệt, bên trong ngôi nhà, bên trái có treo bức tranh “cá chép vượt vũ môn”. Trước ban thờ, có bức tranh khắc cuốn thư và đôi lục bình.
Ông Sửu cho hay, dù dựng nhà bằng gỗ lim mất nhiều tiền hơn nhà tầng nhưng ông vẫn thích bởi nhà gỗ lim có tuổi thọ bền, không bị mối mọt, ít phải sửa chữa. Ở nhà gỗ lim, mùa hè mát, mùa đông ấm. Đặc biệt, nhà tầng chỉ được 50 – 60 năm bị xuống cấp, mất giá trị, trong khi đó nhà dựng gỗ lim hàng trăm năm không hỏng, giá trị vẫn còn.
“Thêm nữa, chúng tôi tuổi đã cao cũng không muốn leo trèo nhà tầng. Ở nhà gỗ, chỉ có một tầng đi lại thuận tiện. Đặc biệt, tôi thấy được nét giản dị, gần gũi, cổ kính khi ở trong ngôi nhà gỗ”, ông Sửu nói.
Theo ông Trần Văn Thành (xóm 6), ngoài thích thú nét cổ kính, ông dựng nhà gỗ với mong muốn có nơi thờ cúng tổ tiên mang đậm nét cổ. Hằng năm, vào ngày Tết, con cháu sum họp có thể cảm nhận được không khí gần gũi, giản dị của vùng quê thuần nông.
Ông Đặng Văn Viện, 42 tuổi, ở thôn 6, sau 6 năm gom góp gỗ đã dựng được nhà gỗ bằng lim trị giá gần 1 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thủy Triều cho biết, trong vùng có hơn 2.000 hộ dân, phần lớn làm nông nghiệp, đi biển, buôn bán. Trước kia, chỉ có một số ít người dân dựng nhà bằng gỗ lim, nhưng khoảng thời gian gần đây, kinh tế của người dân phát triển nên nhiều người chuyển sang thú chơi nhà gỗ.
“Khoảng 10 năm về đây, người dân nở rộ phong trào dựng nhà bằng gỗ lim. Hiện tại, ở xã có khoảng 150 ngôi nhà bằng gỗ lim”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Thủy Triều vốn là làng nghề, ở đây có nhiều thợ mộc giỏi, chuyên đi dựng nhà gỗ cho thiên hạ, và dựng nhà cho người làng,. Mỗi ngôi nhà như thế, tùy theo to nhỏ, sẽ có giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.
-------------------------------------------------------
Bên trong ngôi nhà dựng bằng gỗ lim tiền tỷ của nông dân Hải Phòng có nhiều hoa văn khắc họa cây tùng, cúc, trúc, mai tinh xảo, độc đáo. Đặc biệt, có người bỏ ra vài trăm triệu đồng chỉ để mua bộ sập gụ, tủ chè kê trước nhà, tạo nét cổ kính cho ngôi nhà.