Nỗi lòng cha mẹ chiều 30 Tết
Chờ con cháu về ăn Tết nôn nao cả tháng, thậm chí cả năm, có người mất mấy năm, nhưng những khoảnh khắc đoàn viên rộn ràng, ấm áp lại quá ngắn ngủi.
Ngày nay, dù công nghệ đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý. Con cái, cha mẹ và những người thân trong gia đình đều có thể gặp nhau hàng giờ, hàng ngày thông qua sự kết nối của internet. Tuy thế, dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đôi bên vẫn có cảm giác nôn nao mong ngày gặp mặt, nhất là các bậc cha mẹ.
Có thể cuộc sum vầy sẽ khởi đi bằng một tiệc ẩm thực đông vui, bao gồm cả những người thân thích, hàng xóm trong một căn nhà đầm ấm có hoa tươi và nhiều bánh trái. Nhưng cũng có thể, nó chỉ là một bữa ăn bình dân có thêm đôi ba miếng thịt trong một căn nhà nhuốm màu thời gian hay một phòng trọ đơn sơ ngày cuối năm.
Ảnh minh họa
Có những người cha, người mẹ tuổi đã xế chiều, cuối năm nào cũng ra ngõ ngóng con. Vì, qua điện thoại nó nói tăng ca nhiều nên không về, nhưng biết đâu nó lại về thì sao? Có những ông bố bà mẹ chỉ mong những đứa con là học sinh, sinh viên của mình trở về để nấu cho chúng nó vài bữa ăn nóng sốt, chứ quanh năm cơm bụi rồi...
Và, sự chờ đợi luôn đến từ hai phía, cả cha mẹ và con cái đều ngóng trông ngày tái ngộ. Thu xếp công việc, sửa sang nhà cửa, mua sắm vật chất… mỗi bên đều nỗ lực để có thể gặp nhau thật vui trong mấy ngày Tết.
“Tết này có về không con?”
Minh Trí gần 30 tuổi nhưng vẫn nhớ mãi những cuộc điện thoại mỗi mùa Tết đến của ông bà với bố mẹ. Cứ độ đầu tháng Chạp, ông bà nội, ngoại lại gọi hỏi bố mẹ anh: “Tết này có về không con?”. Cũng thật khó để bố mẹ Trí nói câu từ chối, nhưng…
Ảnh minh họa
Ai đi làm ăn xa rồi đều biết, cuộc sống ly hương chẳng dễ dàng gì. Để vừa đủ chi tiêu sinh hoạt đã khó, huống gì là khoản dư dả để về quê ăn Tết. Vậy nên 4-5 năm, cả nhà mới có dịp về quê ăn tết một lần.
Tết này, con sẽ về…
Vợ chồng chị Trần Thị An, người quê Quảng Bình, người Nghệ An nên 1 tuần nghỉ Tết đối với anh chị quá vội vàng. Hết tất tả quê nội, lại tất tả vòng vào quê ngoại, còn lo đi thăm đầy đủ bà con, hiếm nhà ngồi ấm chỗ. Thế nên, tính ra ở nhà với cha mẹ cũng chẳng được bao nhiêu.
Chị An lại có căn bệnh say xe tàu nên những sự di chuyển đối với chị luôn là cực hình. Thế nhưng, chỉ cần được đặt chân lên khoảnh sân, vườn rau hay con đường đã lưu dấu biết bao kỷ niệm thời thơ bé, được ngồi quây quần cùng gia đình bên bếp lửa thì mọi mệt nhọc, khổ sở suốt chặng đường dài trong chị được trút bỏ lúc nào không hay.
Năm nay, dù chị đã điện thoại nói với mẹ chồng chắc chắn sẽ về ăn Tết nhưng bà vẫn cứ nhắc đi nhắc lại những câu gan ruột, hăng hái như thể bà mới nói lần đầu với chị vậy.
Tưởng những đôi vợ chồng có quê nội, quê ngoại ở gần sẽ có cái Tết gắn bó hơn với ông bà, cha mẹ hơn. Thế nhưng, vì “ỷ gần” nên cứ trước Tết, con cái thường chạy ù từ quê nội qua quê ngoại thắp hương, gửi quà; rồi ngày mùng 1, mùng 2 Tết lại chạy ù về ngoại, nội. Mỗi nơi cũng chỉ một ngày, có khi một buổi. Thoắt cái, mùng 3, ở quê coi như hết Tết. Bởi vậy, chờ con cháu về ăn Tết nôn nao cả tháng, thậm chí cả năm, có người mất mấy năm, nhưng những khoảnh khắc đoàn viên rộn ràng, ấm áp lại quá ngắn ngủi! Trong niềm vui đoàn tụ, vẫn cứ cay cay, vì những trống vắng, hụt hẫng, mong ngóng đã chực chờ…
Xét cho cùng, dẫu cuộc sống có hiện đại đến thế nào đi chăng nữa, Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam vẫn là dịp để các thế hệ cùng nhau sum họp dưới một mái nhà. Những bậc làm cha mẹ, mỗi khi gió chuyển mùa, lại nôn nao chờ đợi để được gặp con và bịn rịn tiễn đưa, khi những Tết vừa khép lại.