Ni sư Chứng Nghiêm: Con đường Giác ngộ
Ni sư Chứng Nghiêm là một nữ tu vĩ đại người Đài Loan, còn được mệnh danh là “mẹ Teresa của châu Á” hay hóa thân cứu khổ cứu nạn của Quan Thế Âm Bồ Tát. Năm 1966, bà thành lập Hội Công ích Từ Tế với phương châm “hướng dẫn người giàu, cứu giúp người nghèo”.
Trong cuộc bầu chọn nhân vật ảnh hưởng nhất Đài Loan trong vòng 400 năm trở lại đây do tạp chí “Thiên hạ” nổi tiếng thực hiện, Chứng Nghiêm thượng nhân đứng thứ 2, vượt qua cả quốc phụ Trung Hoa Tôn Trung Sơn hay cố tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch. Bà từng nhiều lần được đề cử giải Nobel Hòa bình và được xem là người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Đài Loan. Bà còn được trao tặng các giải thưởng phục vụ xã hội danh giá như giải phụng hiến xã hội Châu Á Ramon Michael, giải quốc tế về Hòa bình,…
Ni sư Chứng Nghiêm được coi là "Mẹ Teresa của phương Đông" và là người phụ nữ có sức ảnh hưởng nhất Đài Loan.
Thời thơ ấu phát nguyện ăn chay
Ni sư Chứng Nghiêm sinh năm 1937 tại Đài Trung, Đài Loan, tên khai sinh là Cẩm Vân. Từ nhỏ, bà được bác ruột nhận nuôi vì ông không có con. Vào năm 7 tuổi, bà từng chứng kiến sự tàn khốc của bom đạn trong thế chiến 2 khi Nhật Bản chiếm đóng Đài Loan, chính những cảnh tượng ấy đã in dấu sâu sắc lên tâm trí Ni sư. Trong suốt những năm lớn lên, bà đã rất nhiều lần tự hỏi về ý nghĩa của cuộc đời.
Cô bé Cẩm Vân rất hiếu thuận với cha mẹ. Năm 15 tuổi, khi mẹ cô bé cần tiền để phẫu thuật thủng dạ dày cấp tính, một thủ tục mang rất nhiều rủi ro thời bấy giờ, Cẩm Vân đã thành tâm cầu nguyện Quan Thế Âm Bồ Tát, sẵn sàng từ bỏ 12 năm của cuộc đời mình để mẹ cô khỏe lại. Để chứng tỏ sự chân thành của mình, Cẩm Vân đã thực hành ăn chay. Sau đó, mẹ của Cẩm Vân đã lành bệnh mà không cần phẫu thuật. Từ đó, Ni sư quyết định trở thành một người ăn chay, cả đời không sát sinh.
Con đường Giác ngộ
Năm Ni sư 21 tuổi, xảy ra 1 sự kiện khiến cuộc đời bà thay đổi hoàn toàn. Một ngày nọ, cha bà đột nhiên bị ốm và qua đời ngay ngày hôm sau. Cái chết của cha là cú sốc lớn đối với Ni sư, buộc bà tìm kiếm câu trả lời về sự sống và cái chết. Sự ngắn ngủi và chóng vánh của cuộc sống khiến bà tự hỏi: “Ý nghĩa thực sự của cuộc sống nằm ở đâu?”
Lúc này, Ni sư quyết định bắt đầu tiếp xúc với Phật giáo. Học tập giáo lý, bà bắt đầu thấy rằng mình nên biến tình yêu gia đình thành tình yêu cho toàn thể cộng đồng, xã hội. Bà khao khát có thể chăm sóc đại gia đình nhân loại.
Với quan điểm này, Ni sư bắt đầu rời khỏi gia đình, bắt đầu bước vào con đường tâm linh, từ bỏ 1 cuộc sống tương đối thoải mái. Không lâu sau đó, gia đình bà bắt đầu đi tìm và khuyên Ni sư quay về. Tuy bằng lòng, nhưng với niềm tin thiêng liêng của mình, Ni sư không thể quay về cách sống như trước nữa.
Vào cuối thập niên 60, khi Ni sư 23 tuổi, bà 1 lần nữa từ bỏ gia đình để đi tu. Bà du hành từ phía tây tới phía đông Đài Loan, và cuối cùng định cư ở Hoa Liên, 1 thị trấn nhỏ ở vùng biển phía đông còn tương đối kém phát triển. Cuộc sống rất khó khăn, nhưng không thể cản bước Ni sư trên con đường tu hành.
Năm 25 tuổi, Ni sư tự cạo trọc đầu để chính thức từ bỏ cuộc sống giáo dân, bắt đầu cuộc sống của người tu sĩ. Ni sư không hề biết rằng luật lệ Phật giáo đòi hỏi chỉ có 1 bậc thầy Phật giáo mới có thể làm như vậy. Vì thế mà nhiều tháng sau, bà không được nhận vào đền Lâm Chí ở Đài Bắc. Nhưng cũng chính sự kiện này đã đưa Ni sư đến cuộc gặp gỡ tình cờ với Hòa thượng Ấn Thuận sau này. Ni sư đã xin ngài nhận bà làm đồ đệ. Hòa thượng Ấn Thuận là người đã truyền cho bà danh pháp Chứng Nghiêm, với lời dặn dò: “Giờ con đã là đệ tử của Phật, hãy nhớ rằng phải luôn phụng sự đức Phật, phụng sự chúng sinh”.
Lam Lan (theo tzuchi.org)