Những nghề dịch vụ độc đáo ở Mũi Né
Khác với những danh lam thắng cảnh ở Việt Nam, “Thủ đô Resort” Hòn Rơm, Mũi Né, Phan Thiết nằm trên một triền dài lối hơn ba chục km, chiều dài ấy thực sự thử sức những người làm nghề dịch vụ cho lữ khách. Họ tồn tại được bởi sự bền bỉ và thân thiện với khách hàng.
Những cuộc đi bộ đáng nể.
Chị Tư Bình, nhà tận thôn bốn, Hàm Nhơn cách Mũi né vài chục km là chủ của một “doanh nghiệp” cho thuê tấm nhựa, một dụng cụ bằng nhựa, rộng chừng 35 cm, dài chừng mét rưỡi, du khách ngồi vào đó, trượt xuống những triền dốc trên khu đồi cát. Một thú vui đặc biệt thích thú cho trẻ nhỏ vùng đô thị. Các em được hòa nhập thực sự vào thiên nhiên nhưng vui, an toàn và lý thú.
Mỗi sớm, bốn mẹ con chị ôm theo gần trăm mảnh “hàng” xuống khu đồi cát, nơi có rất nhiều du khách tham quan.
Giá thuê rất rẻ, chỉ 15 ngàn, thậm chí mười ngàn cũng được. Nhà chị Bình, trải qua những nhọc nhằn của nghề canh nông nhưng nay, mấy mẹ con theo nghề này, đầu tư chừng hơn triệu bạc, có trăm mảnh nhựa, ngày nào hên cũng kiếm được dăm trăm, hôm ế ẩm ( những ngày mưa gió) chỉ được một hai trăm nhưng đã là nghề, thì theo đến cùng. Mỗi tháng ba mẹ con kiến được dăm bảy triệu, tạm gọi là có của ăn của để.
Bà Phiên, một cư dân nhà tận Lương Bắc –Sông Lũy, thì thủy chung với gánh Tàu hũ ( miền bắc gọi là Tào phở) mười sáu năm nay, đến nay, vài người con của bà cũng theo “nghiệp” này.
Bà tâm sự: du khách sau khi tắm biển, lội bộ rất đói và hơi lạnh thường có nhu cầu ăn nhanh một thứ gì đó nhẹ nhàng, rẻ tiền, dễ ăn trước khi về khách sạn nghỉ ngơi. Tào phở đạt tiêu chuẩn ấy, chút chè gừng phủ lên trên lớp đậu nõn, ngọt vừa, sắc ấm rất quyến rũ.
Tâm sự về nghề, bà nói: coi vậy nhưng cũng có hôm “ấm” ra trò, có nhà kia dẫn hai đứa con trai xuống tắm biển, chúng quần thảo hơn một giờ đói mềm mà vẫn muốn bơi nữa, ào vô hàng bà, ăn liền một lúc ba chén mỗi đứa.
Có khi gặp một đoàn du khách là ba chục vị nữ, họ từ Ba Lan tới, ăn thấy lạ miệng họ làm một loạt đã vơi cả nửa gánh hàng. Khi rời bãi biển, họ còn mua thêm đem về khách sạn.
Tâm sự với các bà các chị, thấy nổi lên ba điều: Một là họ có khả năng đi bộ siêu việt. Bà Phiên nói, có hôm ế hàng, khách thưa, nên bước chân của bà sàng qua lối hơn …hai chục cây số với gánh hàng nặng trên vai nhưng nhờ trời, có chút thu nhập nên vẫn vui. Bà khoe đã nuôi được hai đứa con vào Cao đẳng sư phạm và trường cơ khí học nghề bằng gánh hàng của mình. Hai là các bà biết cách “truyền nghề” cho con cháu. Con cháu họ biết cất đi những ước vọng ăn học có vẻ quá xa vời với vùng nhiều nắng gió này, chăm vào một chí hướng đã được mẹ gây dựng, tuy không sang giàu nhưng khá căn bản.
Độc đáo.
Ở Mũi Né, bên cạnh những thú vui ẩm thực có tên tuổi, đắt đỏ tây tầu cao cấp con có những gia đình giữ được ngón nghề truyền thống rất đặc sắc.
Nhà chị Tư ở Ngư Ông, với lò bánh “căn”, một loại bánh hầu như chỉ có ở Phan Thiết rất dễ …dụ du khách “thử cho biết” với cái tên lạ lẫm của nó.
Gọi lá bánh nhưng nó là một tô nước sốt, hơi mặn bởi cái ưu thế của vùng “vương quốc nước mắm” này.
Trong tô nước sốt đó là bì heo, xoài tươi nạo thành sợi và nửa trái trứng, tất cả quyện lại thành một thứ nước sền sệt, thơm và nhiều năng lượng.
Đồng bộ với tô nước sốt chủ lực này là một đĩa bánh “không giống ai”, tròn như bánh dán ngoài bắc, lớn như bánh cam trong nam, làm bằng bột trắng thơm, dầm vào tô nước sốt để ăn. Bên cạnh đó là một đĩa cá kho mặn vừa để ăn …kèm, thật là một món ăn rất…Phan Thiết!.
Trên vùng hòn Rơm, Đồi Dương, chúng tôi vô cùng lý thú khi biết một “nghề” có lẽ là nghề … trẻ nhất Việt Nam, một nghề chưa thấy nơi đâu.
Đó là nghề chụp ảnh thuê nhưng không dùng… máy ảnh. Những thanh niên này rất dễ thân, họ bám theo những đoàn đi tập thể, những người đi một mình, khi khách hàng lúng túng, muốn chụp một tấm ảnh có mặt cả đoàn bằng chính máy của họ thì những thanh niên vui tính này giúp họ và chỉ xin mười ngàn tiền công cho dăm bảy lần “nháy”, rất dễ chịu.
Minh Thư, cô sinh viên Đại học Phan Thiết theo “nghề” này đã hai năm tâm sự, có hôm cũng gặp may, gặp một quý bà đi một mình, thế là sau khi bắt chuyện, quý bà kia “trưng dụng” cô cả một ngày luôn, đi theo và chụp cho bà này gần trăm bức ảnh bằng máy của chính bà ta, cuối buổi bà mời dùng bữa chung rồi tặng lại hai trăm ngàn, khoản tiền không lớn, không nhỏ nhưng rất lương thiện.
Minh thư về trường, “dạy nghề” cho vài đứa bạn, những kinh nghiệm nắm bắt nhu cầu, kỹ năng làm thân, kỹ năng giúp đỡ khách, cách bố cục tấm ảnh sao cho dễ coi và cái nghề “tay không bắt giặc” này giúp các cô đỡ phải xin tiền cha mẹ cho việc ăn học của mình.
Dải thùy dương xanh ngát dài hơn ba chục km, không chỉ có những khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao dẹp mà ẩn chứa trong đó những nét thật dễ thương của vùng cực nam Trung bộ với những nghề nghiệp thuần hậu, vất vả nhưng dễ nhớ sẽ là những ấn tượng đẹp cho mỗi chuyến nghỉ dưỡng nơi đây.
Huy Cường