Những câu chuyện cảm động trong mùa thi đại học
Sư cõng học trò đi thi ĐH, sinh viên nghèo hỗ trợ hàng trăm sĩ tử, cô bé tật nguyền tí hon đi thi ĐH... đó là những câu chuyện cảm động trong các mùa thi đại học.
Nữ sinh bố cõng đi thi đỗ đại học ngành Luật
Câu chuyện cô học trò Phương Linh khuyết tật được bố cõng đến trường thi đỗ vào khoa Luật năm 2012 đã khiến cộng đồng một thời vô cùng xúc động.
Phương Linh được bố cõng vào tận phòng thi
Sinh ra không được lành lặn như bạn bè cùng trang lứa, Linh bị một khối u ác tính chèn vào dây thần kinh nên thường xuyên lên cơn co giật. Song, không đầu hàng số phận, ngay từ nhỏ, Phương Linh đã nung nấu ước mơ trở thành một Luật sư để giúp đỡ những người kém may mắn như mình.
Ngày Linh thi ĐH, bố Linh, ông Nguyễn Tấn Nghĩa phải bế em vào tận phòng thi. Ra khỏi phòng thi rồi, ông Nghĩa vẫn hết lòng lo cho sức khỏe của con gái khi phải đối diện với áp lực thi cử.
Và rồi, niềm hạnh phúc vỡ òa đến với gia đình Phương Linh khi em có giấy báo đỗ vào khoa Luật, ĐH Công đoàn. Đây như một câu chuyện cổ tích có thật đến với cô bé tật nguyền khát khao học hỏi để trở thành Luật sư.
Nhà sư cõng trò đi thi đại học
Thương cảm trước hoàn cảnh éo le của cậu bé Nguyễn Mạnh Dương, suốt 11 năm qua, sư thầy Thích Thanh Ngọc đã đồng hành cùng gia đình lo chạy chữa bệnh tật cho em. Kỳ thi ĐH, thầy thay mẹ là đôi chân đưa em tới trường thi.
Sư thầy Thích Thanh Ngọc cõng con nuôi của mình đến trường thi
Được biết, Mạnh Dương quê ở Hải Dương, em không may mắn bị bại liệt hai chân từ nhỏ, hai tay hoạt động cũng kém, mặc dù gia đình đã chạy chữa hết các bệnh viện lớn nhỏ nhưng đều bất lực.
Năm Dương lên lớp 4 thì thầy Thích Thanh Ngọc (trụ trì chùa Cảnh Linh, huyện Kim Thành, Hải Dương) biết được hoàn cảnh của em và nhận làm con nuôi.
Gần ngày thi ĐH, thầy Thích Thanh Ngọc lại tất bật chuẩn bị đồ đạc, khăn gói lên đường đưa Dương đến trường thi ở Hà Nội. Được biết, Năm nay Dương thi vào Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thong của Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Nam sinh đạp xe 300km từ Nghệ An ra Hà Nội thi đại học
Chắc hẳn người đọc vẫn chưa quên câu chuyện về nam sinh quê ở Yên Thành (Nghệ An) đạp xe hơn 300km đi thi ĐH.
Cậu học trò nghèo đạp xe hơn 300km đi thi đại học
Năm 2012, cậu học trò Nguyễn Văn Thuận với thân hình gầy gò, da đen nhẻm với hành lý là một chai nước và vài chiếc bánh mì không, lặn lội hàng trăm cây số từ miền Trung ra Hà Nội thi vào trường Sỹ quan lục quân I.
Mặc dù không đạt được nguyện vọng lúc đầu, nhưng Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký quyết định tuyển bổ sung Nguyễn Văn Thuận vào trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp.
Thuận là tấm gương sáng về ý chí chịu khó, ham học, vươn lên mọi hoàn cảnh cho nhiều thế hệ học sinh noi theo.
Sinh viên nghèo hỗ trợ hàng trăm sĩ tử
Nguyễn Xuân Tiến (SN 1989), sinh viên năm cuối ngành Báo chí, khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, quê ở mảnh đất Quảng Trị nắng gió khô cằn đã làm nên một câu chuyện cảm động mùa thi ĐH 2014.
Cậu học trò nghèo góp nhặt từng đồng tiền làm thêm để giúp sĩ tử mùa thi
Từ chính hoàn cảnh từng là cậu sinh viên nghèo miền Trung ngơ ngác vào TP.HCM dự thi, sau khi ra Đà Nẵng học ĐH, Tiến đã quyết định giúp đỡ những thí sinh khác.
Trước khi đợt 1 của kỳ thi đại học năm nay diễn ra, Tiến đã vận động được các bạn cùng dãy trọ giúp đỡ chỗ nghỉ ngơi, ăn uống cho khoảng 40 thí sinh và người nhà. Trong suốt những năm qua, số sĩ tử và phụ huynh được em giúp đỡ lên tới hàng trăm.
Tiến cho biết, để giúp đỡ những thí sinh đi thi ĐH, em đã ki góp từng đồng tiền làm thêm để đảm bảo chỗ ăn ở cho những hoàn cảnh khó khăn.
Thí sinh 'tí hon' vươn lên trong sự khắc nghiệt của số phận
Vũ Thị Hằng quê ở khu phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Em chỉ cao 1,1m, nặng 25kg, là thí sinh đặc biệt nhất tại hội đồng thi THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa).Hằng thi khối C vào ngành công tác xã hội thuộc Đại học Lao động Xã hội (Hà Nội).
Hằng nhỏ bé, lọt thỏm giữa bao người
Một điều khiến người khác không khỏi xót xa là cô bé lớn lên trong gia đình quá nhiều tai ương. 15 năm trước, bố em mất, sau đó người anh trai cả cũng đột ngột ra đi. Người anh thứ 2 cũng phát bệnh điện dại và bỏ nhà đi đến nay không rõ tin tức. Mới đây, chị gái của em bị lừa bán sang Trung Quốc.
Hằng sống với mẹ đã 62 tuổi. Từ năm cấp 2, một mình em phải tự lê bước chân khập khiễng tới trường với quãng đường gần 4km, dù bất kể trời mưa hay nắng.
Tất cả, để thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học, có công ăn việc làm, giúp đỡ mẹ, giúp đỡ chính bản thân và cả những hoàn cảnh khó khăn như em.
Thanh Hảo (tổng hợp)