Nhớ con cúm núm lạc mẹ trên đồng
Cho đến giờ, mỗi khi mùa gặt đến con lại nghe tiếng con cúm núm kêu trên đồng. Con cúm núm lạc mẹ, hớt hải chạy giữa ruộng nhà ta trong mùa gặt tháng năm, bầu trời hè đầy mây trắng. Ba, má, các con đang cắt lúa trên ruộng. Mùi mồ hôi, mùi bùn non, mùi lúa chín, mùi cỏ, mùi rơm mới… là những mùi hương lành trong nỗi nhớ của con.
Khi con biết thương ba thì ba đã đi xa rồi. Ở một ngôi làng nhỏ, kế sinh nhai duy nhất là làm ruộng, việc đẻ con trai được coi trọng. Con trai biết đi theo nước, be bờ, rải giống, rải phân, quăng lúa, vác lúa… Con gái chân yếu tay mềm. Nhà mình toàn là con gái, đã vậy ba còn cho các con gái đi học nên mỗi mùa gặt nhà mình lại bị người làng chê cười.
Mấy chị em gái con dù cố gắng làm nông nhưng không mạnh như con trai. Ba phải dốc sức ra làm thay cho các con. Càng lớn con càng thấy thương ba.
Ba từng là một thợ may nhưng khi lấy má, công việc chính của ba là làm ruộng. Người nông dân nào cũng yêu ruộng đồng, ba cũng vậy. Ngày nào ba cũng đi ruộng.
Ba dáng cao, gầy, hiền lành và trọng sự học. Ngôi làng nhỏ heo hút trọng con trai, không có thói quen cho con gái đi học. Con gái lớn lên thường đi làm thuê làm mướn, rồi lấy chồng, kiếm chàng rể về phụ giúp gia đình làm nông. Thời đó đa số nhà nào cũng như vậy. Nên khi nhà mình khác, họ chê cười.
Họ chê chị năm khi chị đi nhổ cỏ mà không phân biệt cỏ với lúa. Chê chị ba xuống ruộng sợ đỉa, chê chị sáu quăng bó lúa vào máy nhai không nổi (lúc đó chưa có máy gặt đập liên hợp), chê nhà ta không có người làm cũng chẳng có tiền thuê mướn, nhìn cha con họ làm ruộng mà ngứa con mắt. Chê nhà nghèo mà cho con gái đi học…
Ba hay bảo, ba cho con gái đi học để thoát khỏi ruộng đồng. Làm ruộng cực quá. Được mùa mất giá, được giá mất mùa. Mượn một số tiền mua giống, mua phân thuốc. Khi gặt lên trả nợ này, nợ kia là sạch bách, lại vay mượn lại nợ mới. Chỉ mừng là dư được một chút gạo để bầy con ăn no.
Ngày đó, ba má thật giỏi khi nuôi nổi một bầy con. Nhà mình không có nhiều món ăn đắt tiền nhưng ăn no, ít khi đói. Ngoài phần ruộng được chia, ba còn đi những đồng xa, nơi đất bỏ hoang rồi khai hoang ruộng mới. Tuy không nhiều, nhưng vài sào ruộng khai hoang này đem lại cơm gạo để nuôi bầy con. Mùa gặt, không có tiền thuê thợ gặt, ba má, con cái lại dắt nhau ra ruộng, không biết cắt lúa nhưng cũng làm thợ gặt.
Ruộng xa không có xe chở, cả nhà cắt lúa xong, phải đạp chân vào bó lúa để những hột lúa rơi ra. Má sàng lúa ra khỏi vỏ lép. Số lúa chắc sẽ được cho vào bao. Chút ít lúa hột nhưng là bao nhiêu công sức của ba má và con cái. Dưới cái nắng chói chang, áo ai cũng ướt đẫm. Hồi nhỏ, con chưa biết vất vả, chỉ chạy chơi trên đồng ruộng là chính. Giờ lớn mới thấy bát cơm mình ăn chứa quá nhiều mồ hôi của ba má và các chị.
Chú cúm núm con lạc mẹ trong buổi trưa tháng năm trời đầy mây trắng. Ba và chị sáu tìm bắt con cúm núm cho con. Trên bàn tay con là chú cúm núm con lạc mẹ, nhỏ nhắn, lông ấm, run rẩy, tiếng kêu thảng thốt buồn. Nhà ta ăn cơm trên bờ ruộng, con sơ ý để nó lỉnh mất vào ruộng bên. Tiếng kêu mẹ vang lên trên cánh đồng đầy lúa chín.
Tiếng cúm núm kêu năm đó vẫn còn vang tới giờ trong hoài niệm của con. Con như thấy tấm lưng ướt rượt mồ hôi của ba, đôi má đỏ ửng vì nắng của các chị. Và bữa cơm trên bờ ruộng, chỉ có cơm trắng, mắm thắm, cá khô… nhưng ngon nhất trần đời.
Ba hiền nên hay bị người làng ăn hiếp. Mà người ta toàn xúi ba làm những điều tào lao. Như cho các chị nghỉ học, đi làm thuê làm mướn cho có tiền. Rồi xúi ba làm sui với người này, người kia, mà con trai họ sáng xỉn, chiều say. Họ còn nói cả làng nói xấu nhà mình sao ba không nói gì? Ba chỉ cười cười rồi đi ruộng.
Buổi sáng, ba hay dậy thật sớm, xuống bếp, lọ mọ nấu cơm, đun nước pha trà, rồi mở radio nghe đài. Hôm thì má, hôm thì ba, hôm thì có cả ba và má. Mùi thơm của những thanh củi thật dễ chịu. Chúng là những cây ba đốn hoặc nhặt trên đường đi ruộng. Nhà nghèo nên ba phải kiếm củi đun. Mỗi lần đi ruộng ba luôn cầm theo leng, rựa và luôn mang về ít củi. Sáng sớm, bầy con thức dậy, ngồi bên chiếc bàn gỗ dài, ăn cơm trắng với mắm, rồi đi học. Hình ảnh ba ngồi bên chiếc bàn gỗ dài, trên bàn là bình trà và cái radio màu đỏ luôn ở đó trong trí nhớ của con.
Ba luôn bảo các con cố gắng học hành, có được một nghề, tốt nhất là làm cô giáo - nghề phù hợp với con gái và con nhà nghèo.
Không phải mùa gặt nào cũng thuận lợi, gặt lúa lên có xe chở về nhà. Những mùa gặt, nhà này nhà kia trùng lịch, xe bò không chở kịp. Khi thì lúa bó, khi thì lúa hột phải để trên bãi đất nghĩa địa của làng. Có lúa thì phải giữ, ba má phải nằm mắc mùng nằm giữ lúa, giữa bãi đất trống nghĩa địa. Tất cả chỉ vì miếng cơm manh áo cho con.
Những ngày cuối đời, khi bị bệnh tim, ba cũng không dám ăn món ăn xa xỉ. Vì nhà nghèo, ba chỉ thèm lòng vịt- món khá rẻ. Mỗi chiều con hay chạy lên chợ, mua cho ba bộ lòng vịt. Vừa đạp xe con vừa khóc. Ngay cả lúc sắp mất, ba cũng thương các con. Ba bảo, khi ba mất, để các con khỏi sợ ba sẽ không về thăm nhà đâu. Ba biết các con gái nhát gan.
Nhưng có người lại thấy ba đi thăm ruộng sau khi ba mất. Họ bảo nhìn thấy ba y như lúc còn sống, đang đi thăm ruộng nhà mình. Má vội đạp xe ra ruộng. Má bảo cũng nhìn thấy ba nhưng ba đứng xa lắm, chỉ nhìn được cái dáng rồi ba biến mất. Ngay cả lúc mất, ba cũng nhớ thương ruộng đồng. Ba ở đó với tiếng cúm núm tít xa trong dĩ vãng.
Dù biết mỗi người có một phận số, nhưng khi mất ba, con đã không thể sống bình thường. Con phải cố tập sống cùng mất mát. Con phải tập không ghen tị khi người khác còn ba. Tập không khóc khi nhớ về ba. Con chỉ cố nhớ những lúc gia đình ta đủ đầy, hạnh phúc.
Đó là những mùa gặt ướt đẫm mồ hôi nhưng đầy ắp tiếng cười. Ngọn gió trưa tháng năm, bầu trời đầu hè và tiếng con cúm núm lạc mẹ. Gia đình ta thu hoạch lúa và vui cười. Ba và chị sáu chạy loanh quanh trên cánh đồng gặt dang dở để tìm con cúm núm cho con. Tiếng cười của gia đình ta ở đó, ấm áp, đủ đầy, hạnh phúc.
Khi con hiểu sự vất vả của ba - người trụ cột gia đình - thì ba đã đi xa rồi. Nhưng con biết, dù ở thế giới nào ba vẫn dõi theo và phù hộ chúng con.
Lại một mùa gặt. Cơn gió năm nay khác cơn gió trong dĩ vãng. Chim cúm núm trên đồng cũng không còn để đi lạc. Nhưng tất cả vẫn còn đó, trong con, tình yêu thương và xúc cảm nuôi con lớn, làm người.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn biên tập
Bài dự thi cuộc thi viết Cha và con gái
Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Liên
Địa chỉ: 124/18/4B Ngô Gia Tự - Khu phố 2 Phường Thanh Sơn - TP Phan Rang Tháp Chàm - Ninh Thuận
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!